Ảnh minh họa
Theo đó, các đối tượng thông qua mạng Internet đã thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô. Đối tượng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè và nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản có sẵn. Trong một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người dùng để trực tiếp nhắn tin cho các nạn nhân trong danh sách bạn bè. Để tạo lòng tin với nạn nhân, đối tượng truyền tải Deepfake video có sẵn lên kênh video call, khiến nạn nhân ngộ nhận là hình ảnh và giọng nói của người quen, từ đó chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Với công nghệ Deepfake, video giả mạo có độ chính xác cao, rất khó phân biệt thật giả. Tuy nhiên, video do đối tượng tạo sẵn thường có nội dung chung chung, không phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh thực tế giao tiếp với nạn nhân, có thể khiến nạn nhân nghi ngờ, phát hiện. Để che lấp khuyết điểm trên, các đối tượng thường tạo ra video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn được thực hiện trong khu vực phủ sóng di động, wifi yếu.
Trước phương thức thủ đoạn lừa đảo tinh trên, Công an tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay, mượn tiền, tránh việc xác nhận qua video call. Thay vào đó, nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.
Bên cạnh đó, nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ quá nhiều thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân... Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.
Khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để thụ lý, giải quyết.
Ý kiến bạn đọc