Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, so với mục tiêu kế hoạch đặt ra đến năm 2025, tính đến hết năm 2022 một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch. Đơn cử như: Số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng đạt 101% kế hoạch; mở trên 1,6 triệu tài khoản thanh toán cho khoảng 800 nghìn người; các dịch vụ công phục vụ thu ngân sách, thanh toán tiền điện, thanh toán tiền học phí… đều đạt 100% kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc với nhiều giải pháp hữu hiệu. Hàng loạt các giải pháp về ngân hàng số, thanh toán số, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ chip, quét mã QR trong thanh toán, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và giao dịch thanh toán điện tử… đã được triển khai đồng bộ.
Agribank Chi nhánh huyện Phú Bình Nam Thái Nguyên ký kết hợp đồng dịch vụ thu hộ học phí và các khoản thu khác với các trường học trên địa bàn huyện
Hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng hoạt động ổn định, thông suốt và được kết nối liên thông giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, đơn vị cung ứng dịch vụ công đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang đến nhiều lợi ích cho người dân và xã hội, trước hết giảm được chi phí cho ngành tài chính, giúp Nhà nước chống thất thu thuế, giảm tỷ lệ chủ thể thanh toán trữ tiền bên mình. Từ đó, góp phần tăng nhanh vòng quay vốn, tăng cường nhu cầu vốn cho xã hội, đồng thời cũng là cách để đảm bảo quá trình giao dịch an toàn hơn, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực dễ dàng và linh hoạt.
Trong xu thế phát triển hiện nay, các dịch vụ và thiết bị phục vụ thanh toán ngày càng phát triển, mở rộng cả về số lượng, chất lượng. Phạm vi phục vụ rộng khắp, từ khu vực thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, tiếp tục tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công nói riêng trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp để Thái Nguyên tiến tới xây dựng kinh tế số, chính quyền số một cách thiết thực, hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc