Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ kiểm tra, khảo sát trực tiếp tại bộ phận một cửa thuộc UBND các cấp từ tỉnh đến xã của một số địa phương và nhận thấy vẫn còn trường hợp vi phạm Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Phần lớn các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch.
Thực tế cũng cho thấy, một số trường hợp người dân khi tra cứu thông tin không nhận được kết quả hoặc có kết quả sai lệch thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này đã gây không ít phiền hà, sách nhiễu và làm suy giảm niềm tin của người dân đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Với Thái Nguyên, thời gian qua, cơ quan báo chí địa phương cũng đã phản ánh về thực trạng này, trong đó cho thấy không ít trường hợp, mặc dù người dân đã có căn cước công dân gắn chip điện tử nhưng nhiều cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu có giấy xác nhận thông tin cư trú.
Nguyên nhân của việc này là do yêu cầu của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù; nơi tiếp nhận hồ sơ chưa đủ điều kiện để xác minh đầy đủ thông tin từ căn cước công dân; thông tin người dân cung cấp chưa đầy đủ…
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương phải triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của Nghị định số 104/2022/NĐ-CP.
Quán triệt 100% cán bộ, công chức tiếp dân phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân theo quy định mới, tuyệt đối không được sử dụng và yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú. Trường hợp vi phạm sẽ bị xem xét xử lý nghiêm, trong đó có kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu khi để cán bộ, công chức thực hiện không đúng quy định.
Tỉnh cũng yêu cầu Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền đến toàn bộ người dân biết việc không yêu cầu cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VneID (định danh và xác thực điện tử) mức 1 để sử dụng phục vụ tra cứu dịch vụ công. Cần thiết lập đường dây nóng của Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện, cấp xã để kịp thời tiếp nhận, giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc của công dân.
Tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan cùng phối hợp tổ chức kiểm tra hệ thống giải quyết thủ tục hành chính điện tử, bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở đảm bảo hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị về vấn đề này, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, ứng dụng VNeID và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ công dân, trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Ý kiến bạn đọc