Thái Nguyên: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục

Thứ tư - 15/03/2023 04:01 0
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục.
Thai Nguyen
Thai Nguyen

Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, TP. Thái Nguyên đầu tư phòng học máy tính phục vụ cho việc học tập của học sinh

Theo đó, ngành đã tổ chức các hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên cốt cán về chuyển đổi số; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành và các đơn vị. Toàn ngành đã triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến miễn phí, kết hợp nhiều mô hình dạy học; bước đầu hình thành kho học liệu dùng chung cho ngành Giáo dục, tích hợp trên các nền tảng Youtube và các mạng xã hội; hình thành dữ liệu ngành Giáo dục phục vụ cho công tác quản lý ngành và quá trình phát triển chính quyền số tỉnh Thái Nguyên; triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử sử dụng chữ ký số từ Sở đến các phòng giáo dục đào tạo, các nhà trường liên thông, thống nhất với trục văn bản liên thông của tỉnh và quốc gia; 100% các đơn vị được trang bị đủ thiết bị đầu cuối phục vụ họp trực tuyến với Sở; triển khai số hóa và điện tử các loại hồ sơ, sổ sách trong các cơ sở giáo dục; thực hiện các nhiệm vụ tăng cường Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của ngành (bao gồm cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và triển khai giải pháp không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục). Đến thời điểm này, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo đều được cung cấp, giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4; toàn ngành đã tổ chức rà soát, thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin về hồ sơ trường học, lớp học, học sinh, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị trường học cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; định danh toàn bộ giáo viên, học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn rà soát, cung cấp, đảm bảo 100% các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giáo dục được kết nối Internet băng thông rộng; đồng thời có biện pháp khắc phục đối với các điểm trường tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có hạ tầng Internet cáp quang, những vị trí lõm sóng 3G, 4G…

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến; khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo dục đào tạo; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành. Ngoài ra, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây