NHẬN DIỆN, PHÒNG NGỪA CÁC HÀNH VI, THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO QUA MẠNG VIỄN THÔNG, MẠNG INTERNET, MẠNG XÃ HỘI

Thứ ba - 14/03/2023 22:08 0
Cùng với sự phát triển của công nghệ, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, diễn biến phức tạp, diễn ra trên phạm vi toàn quốc, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiến đoạt tài sản của người dân, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Theo ghi nhận từ hệ thống cảnh báo an toàn thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (tại địa chỉ  canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chủ yếu là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân biết, phòng ngừa. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội vẫn diễn ra với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đặc biệt, chúng lợi dụng sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết và tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để phạm tội. Các vụ lừa đảo qua mạng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế của nạn nhân, làm phức tạp thêm tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các thủ đoạn như:
(1) Mạo danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo đang điều tra các vụ án, thông báo xử phạt nguội vi phạm giao thông,… yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
(2) Mạo danh nhân viên Ngân hàng gọi điện hướng dẫn kiểm tra tài khoản, nâng cấp ứng dụng chuyển tiền, thông báo lỗi chuyển tiền... yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ, mã OTP, ví điện tử hoặc thậm chí mã PIN  để kiểm tra, xử lý nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
(3) Mạo danh thương hiệu hoặc trang thông tin của các tổ chức (Cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi tin nhắn có chứa đường liên kết đến hệ thống giả mạo nhằm mục đích dẫn dụ nạn nhân để thực hiện đánh cắp thông tin, cấy mã độc vào thiết bị hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
(4) Mạo danh công ty tài chính có uy tín lừa vay bằng cách chủ động liên hệ với nạn nhân và hứa hẹn cung cấp khoản vay lãi xuất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí bảo hiểm khoản vay để chiếm đoạt.
(5) Mạo danh là kỹ sư, bác sĩ, quân nhân, doanh nhân, phi công, thuyền trưởng... người nước ngoài... để làm quen, kết bạn, hứa gửi quà tặng có giá trị hoặc tiền từ thiện về Việt Nam. Sau đó, các đối tượng giả danh là nhân viên giao nhận hàng, hải quan, thuế vụ, bưu điện... viện các lý do và yêu cầu nạn nhân đóng thuế, lệ phí để nhận hàng.
(6) Mạo danh nhân viên nhà mạng đề nghị nâng cấp sim điện thoại 4G, 5G. Sau khi nạn nhân nhắn tin theo cú pháp sẽ mất quyền kiểm soát sim và các đối tượng dễ dàng lấy thông tin xác thực để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội và rút tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại.
(7) Mạo danh nhân viên công ty, doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, nhà mạng viễn thông gọi điện, nhắn tin thông báo trúng thưởng và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền phí hoặc nạp thẻ điện thoại để nhận thưởng.
(8) Các đối tượng thực hiện chạy quảng cáo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo qua SMS, ứng dụng mạng xã hội để dẫn dụ nạn nhân làm cộng tác viên, nhiệm vụ qua ứng dụng thương mại điện tử như xử lý và thanh toán đơn hàng, theo dõi trang mạng xã hội của những người nổi tiếng…ban đầu nạn nhân được thanh toán hoa hồng nhưng khi số tiền nhiệm vụ lớn sẽ bị lừa chuyển tiền để chiếm đoạt.
(9) Thủ đoạn đăng tải các đường link có tính chất gây sốc, tò mò, thu hút sự chú ý hoặc gửi tin nhắn có liên kết đến hệ thống giả mạo, khi nạn nhân truy cập sẽ yêu cầu đăng nhập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...), cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, ví điện tử... Qua đó, các đối tượng sẽ đánh cắp thông tin, chiếm quyền tài khoản để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân, bôi nhọ danh dự, tống tiền…
(10) Thủ đoạn sử dụng công nghệ cao (thiết bị thu phát sóng di động BTS giả mạo tinh vi, gắn trên xe lưu động tại các khu vực đô thị) phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho các website đánh bạc, game bài… phục vụ hoạt động đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(11) Lan truyền tin giả trên mạng internet, mạng xã hội đánh vào tâm lý hiếu kỳ, thương cảm của nạn nhân để câu views, câu likes và sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức kêu gọi từ thiện, quyên góp…
(12) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook, Tiktok… (bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm).
(13) Ứng dụng công nghệ “Deepfake” để tạo hình ảnh và âm thanh giả mạo gọi điện lừa đảo thông qua các ứng dụng Facebook, Zalo…
(14) Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ để lừa đảo.
(15) Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… để lừa đảo.
(16) Bẫy tình qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram.
Và nhiều hành vi, thủ đoạn lừa đảo khác biến tướng nội dung, phương thức tiếp cận nạn nhân từ các hình thức nêu trên.
Theo quy định của pháp luật, khi làm việc với người dân thì các cơ quan Nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thuế, Hải quan...), các công ty, doanh nghiệp đều có giấy giới thiệu, giấy mời hoặc trực tiếp gặp mặt để trao đổi công việc và không có quy định gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền. Do đó, tất cả các cuộc điện thoại tự nhận là đại diện các cơ quan yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản đều có nguy cơ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định, các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã OTP thông qua hình thức gọi điện hoặc cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân của khách hàng qua email/tin nhắn bằng việc mở các liên kết. Do vậy, khi thực hiện các yêu cầu không đúng quy định như trên thì đều có nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc điểm chung của các thủ đoạn nêu trên là đối tượng thường sử dụng số điện thoại lạ (trong nước, quốc tế, số ảo…) hoặc tài khoản mạng xã hội ảo, website giả mạo để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đánh cắp thông tin của bị hại. Việc đánh cắp thông tin cũng là bước khởi đầu cho mục tiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp của người dân, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Phòng chống các hành vi, thủ đoạn lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội là nhiệm vụ chung. Với mỗi người, cần thực hiện một số nguyên tắc sau:
Nguyên tắc thứ nhất: Chậm lại”
Vì những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn. Hãy chậm lại, dành thời gian đặt những câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
Nguyên tắc thứ hai: Xác minh”
Vì những kẻ lừa đào thường mạo danh là đại diện cho một cơ quan, tổ chức nào đó, hoặc giả mạo là người thân, bạn bè, đồng nghiệp khi hack được tài khoản mạng xã hội của người đó, nên khi bạn nhận được yêu cầu cho vay mượn tiền hoặc tài sản, nhấn vào đường liên kết trong tin nhắn… thì cách tốt nhất là bạn gọi điện thoại đến số hotline, số điện thoại của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để xác minh thông tin trước khi thực hiện bất kỳ thao tác nào trên thiết bị.
Nguyên tắc thứ ba: Dừng lại”
Không làm việc gì mà mình không chắc chắn hay chưa hiểu rõ về nó.
Trong mọi tình huống thực tế, cần lưu ý cảnh giác với các số điện thoại lạ gọi đến, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân, lai lịch, không đăng nhập vào đường link lạ trên các website, tin nhắn.
Nếu nhận được một cuộc gọi hoặc video call với nội dung chuyển tiền, dù là người thân thiết, bạn vẫn nên dừng lại xem xét, không thực hiện ngay thao tác chuyển tiền. Thông thường các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền sang một tài khoản bên thứ ba hoặc sang một tài khoản có tên gần tương tự.
Cho dù hành vi lừa đảo có tinh vi thế nào, áp dụng triệt để ba nguyên tắc trên sẽ giúp bạn dễ dàng nhận diện để phòng ngừa.
Người bị lừa đảo cần làm gì?
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người bị hại cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ tố giác tội phạm bao gồm: Đơn trình báo công an; CMND/CCCD/Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng); Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,... có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:  Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo thông qua:
- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an: 069.219.4053
- Tại tỉnh Thái Nguyên, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng: 069.2666.109.
- Hệ thống cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ: https://canhbao.khonggianmang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây