Chủ tịch Quốc hội: Rà soát tính khả thi khi quản lý dịch vụ OTT viễn thông

Thứ năm - 13/04/2023 03:25 0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại căn cứ pháp lý; tính khả thi liên quan đến quản lý dịch vụ OTT. Bởi việc cung cấp dịch vụ OTT không yêu cầu sử dụng thiết bị và tài nguyên tần số của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội: Rà soát tính khả thi khi quản lý dịch vụ OTT viễn thông

Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Nhiều ý kiến góp ý liên quan đến quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông).

Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng

Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, dịch vụ OTT viễn thông về bản chất là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin (như Zalo, Viber, Telegram…). 

Dịch vụ này hoạt động trên nền tảng Internet mở; người dùng dịch vụ có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mà không phải cần sự đồng ý của nhà cung cấp dịch vụ và không mất chi phí. 

hu1

Chủ nhiệm Ủy ban Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

OTT viễn thông có chức năng hội thoại (telephone or voice over internet), họp trực tuyến (video conference), trao đổi trực tuyến (chat), tin nhắn (messaging)… và không thu phí. 

Các đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam. 

Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mà Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy. Vì vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí dịch vụ OTT cần được quản lý theo cách thức phù hợp.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn về cách thức quản lý như quy định của dự thảo luật là khó khả thi. Bởi vì việc cung cấp các dịch vụ này phụ thuộc vào khả năng truy cập Internet do doanh nghiệp viễn thông cung cấp. 

Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ này cũng không kiểm soát được việc người tiêu dùng chọn mạng nào. Những nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng không thể bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ hoặc khắc phục vấn đề về chất lượng dịch vụ. 

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp; rà soát việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ gắn với quyền lợi của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại căn cứ pháp lý; tính khả thi liên quan đến quản lý dịch vụ OTT. Bởi việc cung cấp dịch vụ OTT không yêu cầu sử dụng thiết bị và tài nguyên tần số của Việt Nam. Người sử dụng dịch vụ OTT trên các thiết bị đầu cuối thì đã có hợp đồng thuê bao hoặc thỏa thuận dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông và đã trả cước phí.

hu2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với doanh nghiệp viễn thông, truyền thông tương đối độc lập và không phát sinh giao dịch thương mại.

"Hiện nay chúng tôi thấy không có cơ sở pháp lý hoặc chính sách nào đã được ban hành để áp dụng yêu cầu về thỏa thuận thương mại đối với dịch vụ OTT, chỗ này cần phải lưu ý, rà soát, nghiên cứu thêm.

Nếu chúng ta đưa thỏa thuận thương mại đối với dịch vụ OTT thành một điều khoản bắt buộc và nếu như đối tác nước ngoài không hợp tác thì cuối cùng lại thiệt thòi đến người dùng và ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số của Việt Nam, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và cũng không bảo đảm tính trung lập của doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ điện toán đám mây", Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Vì vậy việc quy định phải có thỏa thuận thương mại giữa 2 doanh nghiệp, tính toán thêm tính hợp lý, phải thuyết phục được các doanh nghiệp, sau đó Quốc hội mới yên tâm để bấm nút.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCC Đậu Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp có khá nhiều văn bản phản ánh về việc mở rộng quy mô điều chỉnh của Luật Viễn thông với dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet hay gọi là OTT viễn thông như Zalo, Viber, hay những phần mềm họp trực tuyến như Zoom, Team, nhiều phần mềm khác nữa. 

VCCI cũng phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức một cuộc hội thảo khá lớn của các doanh nghiệp nhiều thành phần tham gia.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng những dịch vụ này có tính chất khác với dịch vụ viễn thông truyền thống, không sử dụng tài nguyên như ở viễn thông và phụ thuộc vào OTT. Người dùng không dùng phần mềm này có thể sử dụng phần mềm khác, cho nên đặc tính cũng rất khác. 

90% dung lượng mạng lưới của nhà mạng phục vụ các dịch vụ OTT

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, dịch vụ OTT hay dịch vụ viễn thông đều cung cấp các dịch vụ giống nhau. Một cái cung cấp trực tiếp qua hạ tầng mạng lưới; một cái cung cấp qua Internet rồi tới hạ tầng mạng lưới chứ không phải là không cung cấp. 

“Ở đây chỉ có một nguyên tắc quản lý, 2 dịch vụ giống nhau, bất kể công nghệ nào, hạ tầng nào thì cũng phải được quản lý giống nhau. Không thể nào một dịch vụ được cung cấp trên công nghệ này, hạ tầng này thì được quản lý, còn một dịch vụ cũng như thế mà được cung cấp bằng công nghệ khác, dịch vụ khác lại không được quản lý. Đấy là vấn đề chúng tôi đề xuất đưa vào quản lý dịch vụ OTT”, Thứ trưởng phân tích.

Ông Long nhấn mạnh, các nguyên tắc quản lý của OTT và cloud là đối với các dịch vụ được cung cấp giống nhau cho người sử dụng Việt Nam thì phải được đối xử như nhau, có nghĩa là trong nước như thế nào thì quốc tế cũng như thế. 

Do vậy, trong nước được yêu cầu phải có đăng ký, phải có cấp phép thì các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp vào cũng phải cấp phép

hu3

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Nhưng ngày nay, trên nền Internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông cơ bản. Vậy cung cấp dịch vụ viễn thông mà không cần hạ tầng mạng, thậm chí có thể cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, vì các công ty cung cấp dịch vụ này không có hạ tầng mạng nên không bị quản lý. 

“Vậy, chúng ta có quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản mà họ cung cấp hay không. Đây chính là vấn đề quản lý dịch vụ OTT viễn thông”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây 90% dung lượng mạng lưới do nhà mạng đầu tư là để cung cấp các dịch vụ viễn thông và nhà mạng thu tiền từ các dịch vụ viễn thông này để trang trải đầu tư. Nhưng ngày nay thì 90% dung lượng mạng lưới của nhà mạng là để phục vụ các dịch vụ của các công ty OTT, tức là các công ty cung cấp dịch vụ chạy trên mạng viễn thông. 

“Các công ty OTT này thu được rất nhiều tiền nhưng nhà mạng đảm bảo hạ tầng mạng thì lại không thu được bao nhiêu. Vậy làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn các nhà mạng đang nghèo đi”, Bộ trưởng Bộ TT&TT tiếp tục lý giải.

Bộ trưởng nhấn mạnh, những thay đổi lớn và rất nhanh này đòi hỏi cấp thiết phải có thể chế mới, nhất là các quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ, bộ, ngành. Đó là lý do mà Luật Viễn thông phải được trình Quốc hội để sửa đổi./.

Theo trang tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây