MobiFone tiên phong, đi đầu nhiều dịch vụ mới của thông tin di động
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, MobiFone là một thương hiệu lớn ở Việt Nam, MobiFone tức là điện thoại di động, như Honda là xe máy. Người MobiFone cũng đã từng tự hào về thương hiệu của mình, tự hào là thương hiệu số 1, là đẳng cấp cao trong làng di động.
MobiFone cũng là công ty viễn thông có quản lý hiện đại, chuyên nghiệp và cũng là công ty có hiệu quả cao nhất trong ngành, có bộ máy tinh gọn nhất. MobiFone đã đóng góp tích cực vào việc phổ cập chiếc điện thoại di động cho mọi người dân Việt Nam. Biến chiếc điện thoại di động thành công cụ đa năng trong đời sống người dân Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng, giá trị cốt lõi ban đầu của MobiFone là “Tâm huyết - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”. Tâm huyết và sáng tạo là tinh thần của khởi nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trẻ mãi không già nếu luôn duy trì được tinh thần khởi nghiệp. Chuyên nghiệp và hiệu quả là sự phát triển bền vững. MobiFone cần kế thừa quá khứ và mở ra tương lai của 10 năm tới, kể được câu chuyện của thế hệ mình, viết lên trang sử của thế hệ mình. Và đây là trách nhiệm của lãnh đạo và người MobiFone hôm nay.
Bộ trưởng nhấn mạnh, MobiFone muốn đổi mới, muốn cải cách, muốn đi xa thì phải nhớ lấy và giữ lấy sứ mệnh ban đầu, những giá trị cốt lõi ban đầu và truyền thống, văn hoá mà nhiều thế hệ người MobiFone đã dựng xây lên. Muốn ứng vạn biến thì phải dĩ bất biến. Giữ cái bất biến chính là giữ lấy bản sắc của mình. Bản sắc là cái để giữ chứ không phải là cái để thay đổi. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với gốc, nếu đứt sợi dây thì cánh diều sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống.
Định hướng phát triển cho MobiFone, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số (CNS) thì thường cứ 10 năm là một lần thay đổi lớn. Ngành viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Lần một là chuyển đổi từ công nghệ analog sang số. Lần hai là chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số. Hạ tầng số phải đi trước, phải được đầu tư trước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để biến Việt Nam thành một quốc gia số. MobiFone phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ để vẫn là top ba doanh nghiệp quan trọng nhất về hạ tầng số của Việt Nam.
Bộ TT&TT tin vào tương lai tươi sáng, tin vào một MobiFone mới đang được sinh ra như cách đây 30 năm, tin vào tinh thần ngày đầu Tâm huyết - Sáng tạo Chuyên nghiệp - Hiệu quả sẽ lại được tái hiện. Chúng tôi tin tinh thần này sẽ tái hiện bởi vì nó đã nằm trong zen của MobiFone, chỉ cần những người lãnh đạo biết cách khơi dậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tặng bằng khen cho MobiFone
Giữ vững viễn thông – Tấn công không gian mới
Trước bối cảnh tăng trưởng doanh thu toàn cầu của dịch vụ di động truyền thống suy giảm, xu hướng tiêu dùng data bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ mới đã tạo áp lực lớn lên ngành viễn thông nói chung và đặt ra thách thức không nhỏ cho MobiFone trên hành trình chinh phục những cột mốc mới.
MobiFone dựa trên 5 trụ cột chính là Khách hàng - Sản phẩm - Công nghệ - Vận hành - Năng lực, MobiFone đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể cho tới năm 2025 để “giữ vững viễn thông – Tấn công không gian mới”, phát triển kinh doanh Hạ tầng số - Nền tảng/Giải pháp số - Nội dung số. Xây dựng hệ sinh thái số MobiFone ngày càng hoàn chỉnh và mạnh mẽ, đón đầu công nghệ để đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tạo ra nền tảng, công cụ giúp khách hàng có nhiều không gian hơn để sáng tạo.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp; đồng thời, đem đến sự tiện lợi góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng, giúp nâng tầm cuộc sống.
Trên lộ trình chuyển đổi từ một doanh nghiệp viễn thông truyền thống sang một doanh nghiệp số, MobiFone luôn đặt ra những mục tiêu trung và dài hạn phù hợp trên từng giai đoạn: Triển khai kế hoạch trung hạn, các đề án mô hình, tái cơ cấu trên tất cả các mặt: tổ chức, nhân sự, quản trị; tiếp tục triển khai chuyển đổi số sâu, rộng, tạo động lực cho sự phát triển các lĩnh vực kinh doanh - kỹ thuật và đầu tư.
Trên tinh thần phát huy thế mạnh cốt lõi là nhà cung cấp hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, khai thác triệt để sức mạnh của công nghệ, tối ưu nguồn lực, triển khai mô hình kinh doanh theo hướng nhanh, hiệu quả, tạo ra năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới, MobiFone sẽ tập trung đầu tư phát triển và kinh doanh các nền tảng số, khai thác công nghệ như một loại dịch vụ (technology as a service) để nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú thêm trải nghiệm người dùng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện Lãnh đạo các đơn vị tham quan gian hàng nhà mạng GenZ của MobiFone
Nhân dịp này, MobiFone cũng cho ra mắt sản phẩm thương hiệu giới trẻ mới mang tên Saymee. Đây là dấu ấn đặc biệt tuổi 30, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện sự “sáng tạo, đổi mới” - “không lùi bước” và “thấu hiểu” của MobiFone trên thị trường. Saymee được sáng tạo bởi GenZ và dành riêng cho GenZ. Mang trong mình tinh thần của một nhà thám hiểm, Saymee mong muốn truyền tải tinh thần mạnh mẽ của một nhà mạng dám bứt phát giới hạn, vượt qua chính mình, sẵn sàng mang tới những trải nghiệm khác biệt dành cho các bạn trẻ. Với tinh thần sáng tạo trong cách nhìn, đổi mới trong sản phẩm, thấu hiểu để bắt kịp mọi xu hướng, Saymee mang tới những sản phẩm và dịch vụ được “may đo” riêng cho giới trẻ, với từng cá tính riêng biệt để trở thành một người bạn thân thiết trong suốt chặng đường tương lai của các bạn trẻ.
Ngày 16/4/1993, Công ty Thông tin Di động VMS - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức được thành lập với thương hiệu MobiFone. Khi mới hình thành, mạng MobiFone mới chỉ có 7 trạm BTS tại Hà Nội và 3 trạm BTS tại khu vực phía Nam. Ngay từ khi mới thành lập, MobiFone đã nhanh chóng bắt tay vào hợp tác quốc tế với tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới Comvik/Kinnevik (Thụy Điển) từ năm 1995, nhờ đó đã tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm của đối tác nước ngoài trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chiến lược kinh doanh và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển cho giai đoạn sau này. Hợp đồng hợp tác BCC với Comvik trong 10 năm đã thành công tốt đẹp và được đánh giá là một trong những hợp đồng hợp tác kinh doanh có hiệu quả nhất tại Việt Nam. Hơn hai thập kỷ sau ngày thành lập, năm 2014, MobiFone đã vươn mình lớn mạnh trở thành Tổng công ty trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến tháng 11/2018, MobiFone được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trải qua 30 năm, từ những viên gạch đầu tiên tạo dựng nên ngành viễn thông di động Việt Nam, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự quyết tâm, đồng lòng của CBCNV, trong nhiều năm liền, MobiFone đều nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, MobiFone đã không ngừng phấn đấu trở thành doanh nghiệp công nghệ, tích cực tham gia triển khai Chiến lược quốc gia phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng và Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045. |
Ý kiến bạn đọc