Tại Triển lãm Di động thế giới 2023 (MWC 2023), CEO của nhà mạng Orange từng nhận định, ngành viễn thông đang thoái trào. Ông suy nghĩ sao về những nhận định này?
Ông Jamie Jefferies: Đây là một câu hỏi phức tạp. Trong vòng vài chục năm qua, chúng ta nhìn thấy khá nhiều siêu xu hướng. Các công ty viễn thông cũng thay đổi theo những xu hướng đó. Sự phát triển tiếp theo của Internet trong giai đoạn tới là công nghệ đám mây, công nghệ mạng thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI)... Các nhà mạng sẽ phải đáp ứng và tìm cách khai thác các xu hướng công nghệ như vậy. Các công ty viễn thông có thể đến hoặc đi, biến mất hay tồn tại nhưng nhu cầu về băng thông thì vẫn tiếp tục phát triển. Theo nhận định của CEO nhà mạng AT&T, nhu cầu về băng thông sẽ tăng trưởng với tốc độ 30% mỗi năm. Nhìn về góc độ mạng lưới, mức độ tăng trưởng của mạng lưới sẽ vẫn tiếp tục.
Đâu là những chuyển dịch lớn của ngành viễn thông thế giới trong năm 2024 và những năm tiếp theo?
Ông Jamie Jefferies: Các siêu xu hướng trong ngành viễn thông có thể chia thành 3 loại chính. Đầu tiên là AI. Người ta sẽ sử dụng AI để nâng cao hiệu suất kinh doanh và khả năng dự báo, đẩy nhanh tốc độ ra quyết định. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao khả năng bảo mật và tạo ra những hiểu biết tốt hơn về môi trường kinh doanh. Siêu xu hướng thứ 2 là kết nối mạng đám mây. Các doanh nghiệp sẽ chuyển dữ liệu của mình lên đám mây và sử dụng trên đó. Điều này tạo ra nhu cầu rất lớn về mạng, các trung tâm dữ liệu và cơ chế phân phối dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu lõi sẽ dần dần chuyển dịch và được đưa sang phần biên của mạng, phục vụ cho những ứng dụng có yêu cầu về độ trễ thấp, ví dụ như ứng dụng thực tại ảo. Siêu xu hướng thứ 3 là sự xuất hiện của các công ty mới, khai thác và sử dụng tất cả các công nghệ hiện có để tạo ra những ứng dụng, trải nghiệm người dùng mới. Đó chỉ là phần đỉnh của tảng băng thôi và trong thời gian tới chúng ta không thể biết hết được còn có những gì bên dưới.
Các nhà mạng Việt Nam hiện có xu hướng chuyển mình thành các công ty công nghệ. Liệu đây có phải là xu hướng chung của các nhà mạng trên thế giới?
Ông Jamie Jefferies: Chắc chắn rồi. Chúng ta đã nhìn thấy sự dịch chuyển này trong một vài năm qua. Các công ty viễn thông đã đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hoặc các doanh nghiệp lân cận, gần với hoạt động chính của họ. Ví dụ như mảng nội dung, truyền thông, tự động hóa, ô tô, hoặc các hoạt động có yêu cầu đến việc phân tích. Nhưng còn có 1 xu hướng khác nữa là nhiều công ty quay ngược sự chú ý vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi ban đầu của mình, tức là sở hữu và vận hành mạng. Những mạng lưới đó giờ trở thành hạ tầng nền tảng để hỗ trợ các ứng dụng số của nền kinh tế và doanh nghiệp. Đó phải là một mạng lưới có khả năng thích ứng, mở rộng, ổn định và có khả năng dự báo.
Nhiều nước đã phát triển các ứng dụng 5G để chuyển đổi số các ngành công nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi gì để tự phát triển các ứng dụng 5G?
Ông Jamie Jefferies: Các nhà mạng Việt Nam có thể đánh giá, phân loại ứng dụng 5G theo các ngành sản xuất chế biến, tài chính, bán lẻ, ngân hàng,... từ đó sinh ra rất nhiều kịch bản sử dụng như đường truyền an toàn cho Chính phủ, quản lý lưu lượng giao thông… Trong y tế, các kịch bản sử dụng 5G sẽ liên quan đến việc truyền dẫn thông tin, dữ liệu có kích thước lớn, nhạy cảm, cần đường truyền tốc độ cao, độ trễ thấp. Trong nông nghiệp, đó có thể là các ứng dụng liên quan tới phân tích nông nghiệp, thông tin về các loại cây trồng. Trong ngành giải trí, nội dung, khi có một sự kiện thể thao lớn, chúng ta sẽ cần có ứng dụng giúp các mạng viễn thông tự điều chỉnh, từ đó hỗ trợ việc tăng lưu lượng đột biến ở những khu vực tập trung đông người. Một ứng dụng khác nữa là hội tụ giữa cố định và di động. Tức là có thể sử dụng công nghệ di động 5G để cung cấp các kết nối băng rộng giống như là đường cố định.
Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy sự ra đời của các ứng dụng dùng cho 5G?
Ông Jamie Jefferies: Tạo ra thêm các kịch bản sử dụng là thách thức mà rất nhiều nước gặp phải khi các chính phủ thúc đẩy việc triển khai các công nghệ mạng mới có tốc độ cao, dung lượng lớn. Cùng với việc triển khai 5G, các nhà mạng sẽ phải có phương án sử dụng, đồng thời cân đối giữa doanh thu từ thuê bao và khả năng kiếm về các khoản doanh thu từ những trường hợp sử dụng khác. Chính phủ có thể đóng góp một vai trò trong câu chuyện này bằng việc đưa ra các biện pháp thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp tự phát triển các ứng dụng 5G. Ví dụ như miễn giảm thuế, khuyến khích đầu tư, phát triển các năng lực và kỹ năng vận hành mạng. Chúng tôi cũng nhìn thấy sự việc tương tự ở các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, ở châu Âu là Anh và Đức. Chính phủ các nước đó đều có biện pháp nhằm hỗ trợ cho các công ty đầu tư vào công nghệ.
Điều mà Việt Nam quan tâm là làm sao đưa ra được một tiêu chuẩn để thúc đẩy chất lượng mạng 5G. Ông có thể đưa ra một lời khuyên gì cho tiêu chuẩn chất lượng mạng 5G hay không?
Ông Jamie Jefferies: Về cơ bản, để đảm bảo chất lượng, các nhà mạng Việt Nam có thể cân nhắc việc vận hành một môi trường mở với nhiều nhà cung cấp. Đảm bảo cơ sở hạ tầng bên dưới tốt. Cơ sở hạ tầng viễn thông phải có khả năng hỗ trợ sự bùng nổ về băng thông và dung lượng. Nhìn chung, chính phủ Việt Nam có thể đặt ra các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng mạng lưới tốt, ổn định, có khả năng mở rộng và vận hành với chi phí thấp. Công nghệ 5G đòi hỏi một mạng viễn thông có quy mô lớn với mật độ rất cao. Do đó, tự động hóa và đơn giản hóa mạng rất quan trọng. Tức là nhìn từ quan điểm mạng lưới, mạng càng đơn giản, càng tự động thì chất lượng càng tốt.
Cảm ơn ông!
Link bài viết gốc: https://vietnamnet.vn/viet-nam-co-the-khuyen-khich-nha-mang-tu-phat-trien-ung-dung-5g-2249903.html
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc