Học sinh thi thử online kiến thức an toàn thông tin từ tháng 3
Kế hoạch tổ chức mùa thứ ba của cuộc thi 'Học sinh với an toàn thông tin 2024' vừa được VNISA cập nhật. Theo kế hoạch này, cuộc thi năm nay sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5.
Dự kiến, thời điểm mở hệ thống thi thử trực tuyến là đầu tháng 3. Thời gian diễn ra 2 vòng thi chính thức là từ ngày 20/3 đến ngày 15/4 với vòng sơ khảo, vòng chung khảo kéo dài từ ngày 22/4 đến ngày 25/4. Lễ trao giải cuộc thi và hội thảo chủ đề bảo vệ trẻ em trên mạng sẽ diễn ra trong tháng 5.
Tiếp tục duy trì hình thức thi trực tuyến trên website thihsattt.vn (sẽ được mở vào đầu tháng 3/2024), các học sinh tham gia ‘Học sinh với an toàn thông tin’ năm nay sẽ làm bài thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 30 phút. Nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới an toàn thông tin và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo hướng dẫn của Ban tổ chức, mỗi học sinh chỉ được đăng ký duy nhất 1 tài khoản dự thi. Sau khi đăng ký tài khoản thành công, trong thời gian diễn ra cuộc thi, thí sinh sẽ đăng nhập để ôn tập, thi thử và thi chính thức.
Sau khi trả lời hết các câu hỏi hoặc hết thời gian làm bài, thí sinh bấm nút ‘Nộp bài’ để hoàn thành bài thi. Hệ thống thi sẽ tự động ghi nhận kết quả, thời gian làm bài và tính điểm cho thí sinh. Thời gian mở hệ thống thi thử trực tuyến chính là cơ hội để học sinh làm quen với cách thức và nội dung đề thi. Vì thế, học sinh có thể thi thử nhiều lần và mỗi khi thi thử đều có thể xem lại kết quả làm bài của mình.
Về cơ cấu giải thưởng, năm nay Ban tổ chức sẽ chọn trao 100 giải cá nhân, gồm 3 giải Nhất, 8 giải Nhì, 15 giải Ba và 74 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, sẽ có 11 giải tập thể được trao, với 3 giải Nhất cho 3 Sở GD&ĐT có tỷ lệ học sinh tham gia cao nhất; 3 giải Nhất cho 3 trường có nhiều thí sinh tham gia cuộc thi nhất; và 5 Giải Nhì cho 5 trường có nhiều thí sinh tham gia cuộc thi tiếp theo.
Theo thống kê, năm 2023, cuộc thi ‘Học sinh với an toàn thông tin’ đã thu hút 740.250 thí sinh của 5.417 trường thuộc 63 tỉnh, thành phố tham gia, tăng khoảng 20% so với năm đầu tiên cuộc thi này được tổ chức. Năm nay, Ban tổ chức kỳ vọng số lượng học sinh trung học cơ sở tham gia cuộc thi sẽ vượt con số 1 triệu.
Cuộc thi góp phần trang bị kỹ năng số cho học sinh
‘Học sinh với an toàn thông tin’ là cuộc thi trực tuyến dành cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc, được VNISA chủ trì tổ chức từ năm 2022, có sự bảo trợ của 3 bộ: Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội.
Là một hoạt động trong chuỗi sự kiện thường niên của VNISA, cuộc thi hướng tới việc tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn cho học sinh và phụ huynh học sinh trên cả nước; tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh những nguy cơ, rủi ro mất an toàn trên môi trường mạng. Qua đó, góp phần thực hiện chương trình của Thủ tướng Chính phủ về ‘Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng’.
Bộ TT&TT đánh giá, cuộc thi ‘Học sinh với An toàn thông tin’ đã góp phần trang bị cho các học sinh những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng, từ đó chung tay giải quyết một vấn đề cấp bách, cần thiết của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), cơ quan thường trực của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, sau 3 năm triển khai ‘Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng’, nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho học sinh đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai.
Bên cạnh cuộc thi ‘Học sinh với an toàn thông tin’ được duy trì hơn 2 năm qua, nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục khác cũng đã được tổ chức, với mục tiêu chung là cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các đối tượng để tham gia bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như: Cuộc thi phát triển ý tưởng trò chơi về chủ đề bảo vệ trẻ em; Tập huấn về nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho nhân viên tư vấn và cộng tác viên của Tổng đài 111; Triển khai các kênh truyền thông bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng gồm website, fanpage, YouTube và TikTok của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Thời gian tới, cùng với việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm, hệ thống công cụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng tiếp tục là những nhóm nội dung sẽ được Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đặc biệt chú trọng. Cụ thể, Mạng lưới sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ trẻ em trên mạng hướng tới các đối tượng trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và cả những cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.
Theo Báo Vietnamnet.vn (https://vietnamnet.vn/sap-mo-he-thong-cho-hang-trieu-hoc-sinh-thi-thu-kien-thuc-an-toan-thong-tin-2251157.html)
Ý kiến bạn đọc