Phát triển hạ tầng Thông tin và Truyền thông - mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội

Thứ sáu - 23/02/2024 04:42 0
Ngày 23/02/2024, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội nghị.
Phát triển hạ tầng Thông tin và Truyền thông - mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội

Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024.

h2_25.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch trên, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: Quy hoạch ngành TT&TT có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, thực hiện khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; giúp Nhà nước hoạch định không gian phát triển, thúc đẩy phát triển hạ tầng TT&TT phục vụ phát triển KT-XH; định hướng hạ tầng TT&TT trở thành hạ tầng của các hạ tầng KT-XH, giúp thông minh hoá các hạ tầng KT-XH từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, kiến tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Thứ trưởng cho biết, Quy hoạch hạ tầng TT&TT được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, do vậy, Bộ TT&TT đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện chi tiết để đảm bảo quy hoạch được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của xã hội nhưng vẫn cần sự nỗ lực, chủ động, tích cực, sáng tạo, kịp thời của các đơn vị chức năng của Bộ; các bộ, ngành Trung ương; các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp (DN) để cùng triển khai thực hiện.

Bộ TT&TT kêu gọi sự đồng hành và hợp tác của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch:

h1_28.jpg

Toàn cảnh hội nghị

Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng nhiệm vụ; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn triển khai các nội dung, giải pháp quy hoạch. Bộ TT&TT giao Viện Chiến lược TT&TT là đầu mối quản lý quy hoạch, tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch, kết nối với cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia để chủ động theo dõi, kịp thời đánh giá, đề xuất điều chỉnh các nội dung quy hoạch đặt trong bối cảnh liên kết ngành, phù hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT triển khai các nội dung được giao trong quy hoạch, trọng tâm là xây dựng hệ thống công nghệ số, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cập nhật, bổ sung, lồng ghép các nội dung quy hoạch hạ tầng TT&TT để đồng bộ với quy hoạch tỉnh; xây dựng, lồng ghép các nội dung quy hoạch này vào các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; Chủ động triển khai, ưu tiên ứng dụng công nghệ số, hạ tầng thông tin và truyền thông, an toàn thông tin mạng... để nâng cao chất lượng lập, triển khai, quản lý các dự án nói riêng cũng như toàn bộ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh...

h3_14.jpg

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT Trần Minh Tân

Các cơ quan truyền thông, báo chí chủ động phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Quy hoạch này. Ngoài việc góp phần làm lan tỏa thông tin về Quy hoạch ra cộng đồng, đây cũng đồng thời là trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các cơ quan báo chí trong tổ chức thực hiện Quy hoạch.

Hiện nay, mức độ phổ cập hạ tầng TT&TT của Việt Nam cao hơn so với các nước phát triển có thu nhập cao với mức giá thấp: Cụ thể là:

- Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%.

- Trong số 7,3 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỷ lệ điện thoại thông minh là 63%, thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%.

- Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%.

- Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng Internet, tiếp cận không gian số. 

- Tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada…/.


                                                                                                                                         Nguồn tin: https://mic.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây