Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT ông Nguyễn Huy Dũng thay mặt Bộ TT&TT đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc trước sự hiện diện của ông Maksim Parshin, Thứ trưởng Bộ Phát triển số, Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga cùng toàn thể các diễn giả đã có mặt ở buổi thảo luận trực tuyến.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa hai bên đã được ký kết từ năm 2014 trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Diễn đàn được kỳ vọng là nơi đẩy mạnh hơn nữa những hành động cụ thể ở ba chủ đề trọng tâm trong buổi thảo luận là chính phủ điện tử và kinh tế số, hạ tầng viễn thông và an ninh mạng.
Các chính sách và khuôn khổ pháp lý của Chính phủ số và kinh tế số là đặc biệt cần thiết và Việt Nam mong muốn được trao đổi thông tin cùng các giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khuyến khích cơ quan phụ trách Chính phủ số thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và trực tiếp hơn nữa, nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận về các dự án chung có thể có sau này giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Về hạ tầng, cả Việt Nam và Liên bang Nga đều có điểm chung là đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng số. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong muốn được tạo điều kiện liên lạc nhiều hơn nữa các nhà cung cấp dịch vụ ICT giữa hai bên, đồng thời đánh giá cao sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT, nhưng cũng hy vọng sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc và thảo luận sâu hơn nữa sau Diễn đàn lần này.
Về an ninh mạng, đây là lĩnh vực hợp tác có hiệu quả giữa hai nước trong nhiều năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhân dịp này cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những người đồng cấp và bạn bè Nga đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều hoạt động và dự án đã qua, đồng thời mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác Nga trong lĩnh vực quan trọng này.
Cuối cùng, Thứ trưởng hy vọng Diễn đàn sẽ cung cấp một nền tảng cho sự sẻ chia và xây dựng tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp của cả hai bên, cụ thể là ở những buổi họp tiếp theo để phát triển mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Thứ trưởng đề xuất thành lập một nhóm công tác chung với sự tham gia của hai bộ và các doanh nghiệp có liên quan của hai quốc gia, nhằm thúc đẩy việc triển khai các hoạt động và dự án chung Việt - Nga trong những năm tới.
Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu
Kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt - Nga trong năm 2020 đã đạt con số 5,7 tỷ USD với các dự án trọng điểm như Chính phủ điện tử ở Việt Nam, dự án nhà máy sản xuất bơ sữa ở Nga, hợp tác dầu khí chung Nga - Việt… Theo đánh giá, dư địa cho hợp tác phát triển ICT giữa hai nước là rất lớn.
Trong đó, lĩnh vực ICT của Việt Nam có doanh thu năm 2019 ước đạt 112 tỷ USD, lĩnh vực xuất khẩu điện thoại đạt 35,5 tỷ USD (chiếm 13,3% tổng doanh thu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc) với nhân lực làm việc trong ngành này khoảng 1 triệu người, thu nhập bình quân khoảng 300 USD/tháng. Từ đó, định hướng của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là kinh tế số chiếm 20% GDP, toàn ngành phải có 50.000 doanh nghiệp ICT, trong đó có 10 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD, và nhóm doanh nghiệp Việt phải cung cấp 90% sản phẩm cho thị trường nội địa.
Để đạt những mục tiêu đề ra, Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển Chính phủ số từ Nga, hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển, chuyển giao các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, an ninh mạng… Đồng thời, Việt Nam mong muốn được đào tạo nhân lực, chuyển giao chuyên gia để hỗ trợ sự phát triển cho ngành ICT. Cuối cùng, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là nơi tạo ra các liên doanh giữa các doanh nghiệp hai bên.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, một số công nghệ mới đã được các diễn giả hai bên trình bày và nhận được đánh giá cao như VinBrain với giải pháp chụp X-quang phổi phát hiện ca nhiễm Covid-19, giải pháp VideoMost thay thế cho phần mềm họp trực tuyến Zoom, giải pháp nhận diện và cảnh báo hành động nguy hiểm thông qua camera AI Smart Warning, các giải pháp bảo mật của Vietnam Cyber Security và VSEC../.
Theo trang tin của Bộ Thông tin và Truyền thông-mic.gov.vn
Ý kiến bạn đọc