Môi trường kinh tế số: Thời cơ và thách thức đối với thương mại điện tử

Thứ hai - 11/01/2021 20:08 0
Thời đại kỹ thuật số đang thay đổi mọi khía cạch của đời sống kinh tế: bản chất của thị trường và sản phẩm, cách sản xuất, cách giao hàng và thanh toán, quy mô vốn để hoạt động trên toàn cầu và yêu cầu vốn, nhân lực, tác động trực tiếp đến quá trình tăng năng suất, những ý tưởng mới, công nghệ mới, mô hình quản lý và kinh doanh mới, tạo ra các kênh tiếp cận thị trường mới.
Môi trường kinh tế số: Thời cơ và thách thức đối với thương mại điện tử

 


Dự báo Kinh tế số của Việt Nam đạt 30 tỷ USD vào năm 2025

Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên diễn ra sự thay đổi công nghệ sâu rộng so với các giai đoạn lịch sử trước. Các công nghệ kỹ thuật số đang trở nên nhanh hơn, mạnh hơn, rẻ hơn, và hội tụ với nhau theo nhiều cách để khai thác tiềm năng và tối đa hoá hiệu quả từ công nghệ số. Các công nghệ quản lý và sản xuất mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số - như internet của vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, đã thâm nhập vào đời sống kinh tế ngày một sâu rộng.

Điều này được ghi nhận bằng thay đổi tư duy trong mọi hoạt động của đời sống nói chung, nhu cầu được kết nối và trao đổi bằng thông tin thông qua internet và hàng hoá kỹ thuật số nói riêng. Việc phổ biến các công nghệ số có thể làm thay đổi hoàn toàn các mô hình kinh doanh trong lịch sử và việc phổ biến công nghệ số ngày càng trở thành một yêu cầu đầu vào trong mỗi quá trình sản xuất, nó không chỉ đơn thuần là nguồn lợi thế cạnh tranh (như việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá) mà còn là sự chinh phục thị trường trên phạm vi quy mô toàn cầu. 

KINH TẾ SỐ HIỆN NAY

Tác động của các công nghệ kỹ thuật số ngày càng phổ biến trong tất cả các linh vực của nền kinh tế. Việc số hóa các quy trình kinh doanh đã vượt ra ngoài các lĩnh vực sản xuất công nghệ, thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kỹ thuật số đầu tiên, bao gồm phần lớn các hoạt động kinh tế. Do đó, bản chất của nền kinh tế kỹ thuật số đang thay đổi. Hiệu quả nhất của việc số hoá các hoạt động kinh tế là chi phí tương đối thấp và các ý tưởng có thể đi vòng quanh thế giới một cách dễ dàng.

Do đó, việc sản xuất các công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số đang trở nên thực sự toàn cầu hóa, với các nền kinh tế đang phát triển chiếm 20% sản xuất công nghệ, trên toàn cầu và 36% dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu. Trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với cường độ cao hơn bao giờ hết, để phá vỡ sâu sắc cách tạo ra giá trị. Theo nghiên cứu của tập đoàn HuaWei, trung bình trong khoảng ba thập kỷ qua, khoản đầu tư 1$ vào công nghệ kỹ thuật số đã mang lại nguồn tăng 20 $ trong GDP. Con số này vượt xa mức lợi tức đầu tư 3 $: 1 $ cho các khoản đầu tư không công nghệ số trong cùng thời kỳ. Kết quả này cho thấy, với mỗi khoản đầu tư 1 $, lợi nhuận trung bình trên GDP cao hơn 6,7 lần đối với đầu tư kỹ thuật số so với đầu tư phi kỹ thuật số [1]. 

Một trong những con số đáng lưu ý nhất trên thị trường kinh tế số năm 2017 là doanh thu bán hàng trực tuyến hiện đóng góp đến 36% mức tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh của toàn cầu và thương mại điện tử hiện chiếm 4,6% tổng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên toàn cầu [2]. Dự báo năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh.  Sự tăng trưởng lớn trên toàn cầu chủ yếu sẽ đến từ Mỹ, thị phần thương mại điện tử tăng từ 1,5% trong năm 2017 lên 8% vào năm 2025. Điều này có thể được đóng góp bởi sự ra đời thành công của mô hình Click and Collect (mua online và nhận hàng tại cửa hàng gần nhất), mô hình giao hàng tận nhà và đăng ký mua hàng định kỳ, cùng những mô hình mới đang tiếp tục phát triển trên thế giới. Tại Úc, 42% số nhà bán lẻ hiện đang cung cấp loại hình Click and Collect, ở các nước Tây Âu 36% và đồng thời ở Bắc Mỹ là 31% .Trong số đó, đáng kể đến là ở Anh, thị trường Click and Collect của Anh dự kiến sẽ tăng 78% vào năm 2020 [3]. 

Bên cạnh các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc, Pháp có số tỷ phần thị thường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thì các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN cũng đã có lượng hàng hoá tiêu dùng thông qua kênh thương mại số tăng nhanh trong hai năm qua, điển hình là Thái Lan (+104%), Malaysia (+88%) và Việt Nam (+69%). 

THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM

Năm 2018, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, với doanh thu thương mại điện tử ước tính đạt 2,8 tỉ USD. Thương mại điện tử Việt Nam chính thức lọt Top 6/10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với tổng doanh thu đạt 2.269 triệu USD, tăng 29,4% so với năm 2017; số lượng khách hàng mua hàng trên trang thương mại điện tử đạt 49,8 triệu người, tăng 2,6%; trong đó xu hướng mua sắm trên di động chiếm đến 72%. Việt Nam là nước có tỉ lệ phần trăm tổng giá trị giao dịch của nền kinh tế Internet trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 4% trên tổng GDP. Các con số này tại các quốc gia khác trong khu vực lần lượt là 2,9%, 2,7%, 1,6%, 3,2%, 2,7 % (6 nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) [4]. 

Kinh tế số sẽ chiếm vị trí như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Ảnh: Internet
Kinh tế số sẽ chiếm vị trí như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Ảnh: Internet

Trong cùng xu hướng phát triển kinh tế số, ở Việt Nam, kênh thương mại điện tử, phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của Internet và sự gia tăng lượng người sở hữu điện thoại thông minh. Đồng thời, cùng với đó là sự xuất hiện của các ông chủ đầu tư bán lẻ như Lazada, Shopee Tiki, Sendo, hay Grab, Go – Viet..., hiện nay chiếm 0,5% trong tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thành thị 4 thành phố lớn của Việt Nam. Tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tổng dân số của thành thị 4 thành phố chính (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) chỉ trong vòng một năm qua, và giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống. Với 4 lĩnh vực gồm di chuyển (taxi, xe ôm công nghệ, giao hàng, giao thức ăn), thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và du lịch trực tuyến đã được người tiêu dùng ghi nhận và văn hoá tiêu dùng.

Hiện nay, hầu hết các hãng cung cấp thương mại điện tử lớn trong nền kinh tế số ở Việt Nam đều đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, điển hình các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Robins, Lotte, (Lazada do Alibaba nắm). Trong đó, có một số ít trang thương mại điện tử Việt Nam như Tiki, Sendo, Chotot nhưng cũng có sự tham góp vốn của các tập đoàn từ thị trường bên ngoài. Tiki được đầu tư từ JD.com là sàn thương mại điện tử trong Top 3 tại Trung Quốc, Sendo nhận đầu tư từ tập đoàn tài chính SBI Holdings của Nhật Bản và nhiều nhà đầu tư đóng tại Châu Á. Mặc dù tên tuổi đến sau trên thị trường thương mại điện tử, nhưng Shopee (nguồn gốc có vốn của Tencent,  được Garena đầu tư có phạm vi hoạt động ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam) đã có kết quả kinh doanh khả quan.

Trong lĩnh vực thị trường vận tải thông qua ứng dụng điện tử được coi là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất hiện nay. Qua hai năm xâm nhập thị trường các thành phố lớn ở Việt Nam, Uber và Grab, Go – Việt (hậu thuẫn về mọi mặt từ Go-Jek của Indonesia) đã làm thay đổi dịch vụ taxi. Mặc dù đã cải tiến phương cách khai thác thị trường trong thời đại công nghệ số, nhưng những tên tuổi trong ngành kinh doanh taxi truyền thống như Taxi Thành Công, Mai Linh, VinaSun, Group Taxi cũng chưa tìm ra lối thoát trong bài toán cạnh tranh trước cơn lốc của các doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ đến từ nước ngoài.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Mặc dù được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng trong nền kinh tế số, với hơn 90,6 triệu dân và số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm đạt 67% dân số và với con số 55 triệu người [5] thường xuyên truy cập Internet bằng điện thoại di động thông minh cho thấy nguồn lực để tiếp cận thị trường thương mại điện tử giàu tiềm năng. Nhưng cho đến nay hầu hết các khâu trong hoạt động của thị trường thương mại điện tử chưa được quan tâm đầu tư, khai thác và phát triển, cụ thể như cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực doanh nghiệp và triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.

Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA- Bộ Công Thương), hiện mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) xây dựng website riêng để quảng bá kinh doanh, nhưng 70% số website này lại khó có thể truy cập được bằng điện thoại di động [6]. Trước bối cảnh cách mạng  thông tin đang diễn ra mạnh mẽ từng ngày, tốc độ ứng dụng công nghệ không ngừng cải tiến thì thương mại điện tử đang là xu thế phát triển không ngừng trong hội nhập thương mại toàn cầu.  Để khẳng định được vị trí trong sân chơi thương mại điện tử việc trang bị kiến thức, đầu tư xây dựng website - công cụ thanh toán trực tuyến, công cụ phát triển thương hiệu gắn với tên miền internet và quảng cáo trực tuyến… là những yêu cầu vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh trực tuyến. 

Lợi ích của nền kinh tế số đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam dễ thấy, điển hình như: thứ nhất, tạo khả năng cạnh tranh và tăng năng suất, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số. Thứ hai, giúp tối ưu hóa quy trình và sản xuất, giảm chi phí giao dịch và chuyển đổi chuỗi cung ứng. Thứ ba, giá công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng giảm, khuyến khích đầu tư và áp dụng công nghệ số tại các doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ tiện ích và tiên tiến với giá cả cạnh tranh. Những điều này cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận trực tiếp với khách hàng ở thị trường nước ngoài, không còn tồn tại tư duy chỉ khả thi đối với các công ty lớn được thành lập từ các nền kinh tế tiên tiến. Đối với người tiêu dùng, lợi ích có liên quan đến việc tiếp cận nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn với giá cả cạnh tranh. Nó cũng cung cấp các cơ hội mới cho tinh thần kinh doanh và tạo việc làm. Tuy nhiên, nhiều lợi ích của nền kinh tế số chưa được hiện thực hóa ở quy mô, đó là do các rào cản chấp nhận, hiệu ứng trễ, chi phí chuyển đổi và hàng hóa kỹ thuật số, địa phương hóa dữ liệu, bảo đảm an ninh mạng và bảo đảm tính riêng tư của dữ liệu.

Việt Nam là nước có nhiều điều kiện thuận lợi, dân số trẻ, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, nằm trong tốp đầu các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người dùng Internet, điện thoại thông minh, và sử dụng mạng xã hội. Chuyển đổi số, trong khi chưa cần đến một chiến lược ở cấp quốc gia và hành động của Chính phủ, thì thực chất khu vực tư nhân và người dân đã đi trước một bước. Điều này thể hiện những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho viện kiến tạo môi trường kinh tế số.

Nhưng bên cạnh khía cạnh tích cực đó, ở cấp độ quốc gia, những vấn đề kinh tế - xã hội lớn của tiến trình số hóa đời sống đang ngày càng trở nên rõ hơn, phải đồng thời thực hiện các nhiệm vụ bao gồm giảm các hạn chế về năng lực và cải thiện các kỹ năng; đầu tư vào môi trường kinh tế số, kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; các thỏa thuận để thúc đẩy việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ thông tin cũng như tiếp cận thị trường; khung pháp lý thúc đẩy cạnh tranh và điều kiện thị trường; và các chính sách để thúc đẩy đầu tư và đổi mới.

Trong môi trường kinh tế số, thương mại điện tử được coi như một chìa khoá để mở cánh cửa phát triển kinh tế. Việt Nam được coi là 1 trong 10 thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực chính là  điều cần thiết để có hệ sinh thái cho kinh tế số, thương mại điện tử phát triển cần tạo ra sự nhận thức chung về phát triển kinh tế số, thương mại điện tử cũng như những yếu tố cần thiết cho kinh tế số phát triển./.

TS Nguyễn Thị Thu Nga
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Theo tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây