Trong công cuộc chuyển đổi số, Internet vạn vật (IoT), 5G, Cloud đã trở thành những yếu tố không thể tách rời và tiếp tục là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Gắn bó mật thiết với sự thay đổi của Internet, như nội dung Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo: "Các đơn vị trong ngành thông tin và truyền thông có một sứ mệnh mới"; Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) với vai trò một NIC (Netwwork Information Center) quốc gia, đã xác định các nền tảng, dịch vụ tài nguyên số là yếu tố quan trọng tạo đà phát triển cho hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Trong xu thế mới, VNNIC cũng phải chuyển mình để tiếp tục đảm đương sứ mệnh dẫn dắt, thúc đẩy Internet thế hệ mới với tinh thần "Internet for all".
Phát triển tài nguyên Internet phục vụ cho hoạt động số
Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX - kết nối số cho hạ tầng số
Tài nguyên Internet (tên miền ".vn" và địa chỉ IPv4/IPv6) là một trong những điều kiện cơ bản của giải pháp cho phát triển hạ tầng số. VNNIC đã chuẩn bị sẵn sàng tài nguyên Internet cho phát triển 5G, IoT, phát triển thành phố thông minh, các thiết bị thông minh kết nối Internet, và để phục vụ mục tiêu chuyển đổi 100% mạng Internet Việt Nam sang IPv6 vào năm 2025.
Tên miền ".vn": yếu tố gắn kết người dân với hạ tầng số cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Đến nay, đã 10 năm liền tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" dẫn đầu khu vực Asean về lượng đăng ký sử dụng và thuộc Top 10 tên miền mã quốc gia có lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với các giá trị kết tinh từ ba thuộc tính quan trọng: nhận diện - tin cậy - an toàn, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" đã trở thành công cụ hữu ích, giúp kết nối, đưa thông tin, dịch vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam lên không gian mạng Internet, khẳng định thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, tên miền ".vn" đang âm thầm thực hiện sứ mệnh"Nâng tầm thương hiệu Việt" trên không gian mạng Internet cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Với những giá trị mang lại, tên miền ".vn" chính là cầu nối giúp thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên thương trường góp phần đạt mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Địa chỉ IPv6 - Tài nguyên số phát triển hạ tầng, dịch vụ số
IPv6 giúp giải quyết sự thiếu hụt địa chỉ IPv4. IPv6 đã được thiết kế mặc định và bắt buộc trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nên thế hệ mạng thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud.
Hiện nay, việc chuyển đổi, hướng tới hoạt động thuần IPv6 ngày càng định hình rõ nét. Hạ tầng số Việt Nam cần đảm bảo sẵn sàng với thế hệ địa chỉ Internet IPv6.
Việt Nam đã đi đúng hướng trong công tác thúc đẩy triển khai IPv6. Tính đến hết tháng 11/2020, theo thống kê của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), tỷ lệ ứng dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 45,74%, gấp 1.7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2.3 lần trung bình khối ASEAN với 34 triệu người sử dụng IPv6. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 Châu Á và thứ 10 toàn cầu, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.
Văn bản số 1541/BTTTT-VNNIC ngày 17/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Ủy ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ về việc tăng cường ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước là yếu tố tác động quan trọng, cùng với các hoạt động của Chương trình IPv6 For Gov đem lại sự chuyển biến đột phá trong kết quả triển khai IPv6 của cơ quan nhà nước. Tính đến hết tháng 11/2020: 32 tỉnh, thành và 03 Bộ, ngành ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; 10 Cổng thông tin điện tử của Bộ, Ngành, tỉnh, thành đã hoạt động tốt với IPv6; 19 tỉnh/thành phố và 11 Bộ, ngành đã đăng ký sử dụng địa chỉ IP độc lập (IPv4, IPv6), sẵn sàng tài nguyên số phục vụ quy hoạch, hiện đại hóa mạng lưới, dịch vụ, phát triển hạ tầng số.
Xây dựng và phát triển các hệ thống hạ tầng Internet quan trọng quốc gia; đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên số
Tại Việt Nam, hệ thống DNS quốc gia cùng với trạm Trung chuyển Internet quốc gia VNIX, hệ thống quản lý tài nguyên Internet quốc gia được phát triển theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm hoạt động ổn định thông suốt, chất lượng cao và an toàn, là nền tảng đưa ra dịch vụ/ứng dụng mới, thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền tảng chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ trực tuyến, Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.
Hệ thống DNS quốc gia - trái tim của Internet
Năm 2020, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã phối hợp với tổ chức ISC (Internet Systems Consortium) triển khai thành công cụm DNS Root đầu tiên tại Việt Nam (F-Root), tại 02 điểm VNIX ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc triển khai thành công DNS Root làm giảm sự phụ thuộc vào kết nối quốc tế khi truy vấn tên miền từ Việt Nam được chuyển đến thẳng cụm F-Root đặt tại Việt Nam thay vì kết nối đến các cụm máy chủ Root khác đặt tại nước ngoài như trước đây, nhờ vậy tăng tốc độ truy cập các dịch vụ sử dụng tên miền Internet tại Việt Nam. Thời gian truy vấn tên miền nói chung và truy vấn tên miền ".vn" trong nước giảm trung bình ít nhất 5 lần, qua đó làm tăng tốc độ truy cập các dịch vụ sử dụng tên miền Internet tại Việt Nam.
Trạm trung chuyển quốc gia Internet Việt Nam phục vụ kết nối cho mạng lưới Internet Việt Nam, các trạm trung chuyển Internet quốc tế và các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế với tốc độ cao, với tốc độ cao, đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí với mục tiêu nâng cao chất lượng kết nối Internet cho người dùng Việt Nam. VNIX hoạt động và phát triển theo nguyên tắc trung lập, phi lợi nhuận, là công cụ quản lý điều tiết nhà nước trong việc thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối Internet tại Việt Nam, đảm bảo an toàn dự phòng ứng cứu và tối ưu lưu lượng trong nước.
Trước xu hướng phát triển Internet trong giai đoạn mới, Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) đã mở rộng mô hình hoạt động theo chuẩn mực quốc tế. Về đối tượng kết nối, VNIX mở rộng cho phép tất cả các mạng có vùng địa chỉ IP và số hiệu mạng ASN độc lập của Việt Nam, tập trung vào các ICP, CSP, CATV, CDN, IDC thương mại, hệ thống chính phủ điện tử, IDC của cơ quan nhà nước, thương mại điện tử. Đối với chính sách kết nối, ngoài hình thức kết nối đa phương như hiện nay, VNIX sẽ hỗ trợ thêm cả hình thức kết nối song phương để các doanh nghiệp ISP có thể cung cấp dịch vụ kết nối tại VNIX để phát triển dịch vụ.
Bên cạnh đó, VNNIC tập trung phát triển các dịch vụ, công cụ hỗ trợ cho các thành viên kết nối như nâng cấp hệ thống phân tích thông tin định tuyến Internet (Looking Glass), triển khai mới các hệ thống ký số tài nguyên Internet RPKI (Resource PKI), triển khai hệ thống đo tốc độ kết nối, truy cập Internet (VNNIC Interent Speed),… Năm 2020, hệ thống đo tốc độ truy cập Internet (VNNIC Internet Speed) đặt tại tại các điểm kết nối của Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) đã được triển khai, là công cụ đắc lực cho cộng đồng, doanh nghiệp để tham khảo, đo đạc chất lượng kết nối.
Kết luận
Trong giai đoạn 20 năm vừa qua, sự tăng trưởng ngoạn mục của tài nguyên Internet Việt Nam, hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quan trọng quốc gia đã đồng hành, góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet Việt Nam. Với các kết quả đó, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng và có những đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của Internet toàn cầu.
Trong giai đoạn phát triển mới của Internet với xu thế chuyển đổi số, VNNIC tin tưởng rằng tài nguyên Internet Việt Nam, các hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quan trọng quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò tích cực của mình trong sự phát triển chung của hoạt động mạng, dịch vụ Internet Việt Nam và góp phần đắc lực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo: ictvietnam.vn