Cùng vươn lên trong những mục tiêu phát triển đó, mới đây, các tỉnh Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bình Thuận đã phê duyệt, ban hành cụ thể đề án xây dựng ĐTTM của các địa phương giai đoạn 05 năm tiếp theo.
Phát triển ĐTTM gắn với bảo vệ môi trường bền vững
Theo đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND phê duyệt "Đề án xây dựng thành phố (TP) Buôn Ma Thuột trở thành ĐTTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045".
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), TP. Buôn Ma Thuột sẽ đảm bảo hình thành Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM hoạt động, kết nối với hệ thống mạng lưới ĐTTM trên cả nước, khu vực và quốc tế.
Để thực hiện điều này, TP. Buôn Ma Thuột sẽ phát triển ĐTTM trên nền tảng các ứng dụng CNTT - viễn thông và thành tựu của CMCN 4.0 để thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Với vị trí là trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột sẽ phát triển theo hướng thành phố thông minh, sinh thái, bản sắc (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đồng thời, thành phố tích cực tập trung xây dựng, thực hiện đảm bảo tốt các nội dung: Kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); hạ tầng ICT; nền tảng tích hợp dữ liệu và dịch vụ chuyển đổi số (CĐS); các tiện ích, dịch vụ trong lĩnh vực chính quyền điện tử; phát triển hệ sinh thái môi trường, giao thông, du lịch, y tế, giáo dục thông minh…
Bên cạnh đó, đề án nêu rõ: Thành phố sẽ cung cấp các dịch vụ công (DVC) chất lượng; đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế; bảo vệ môi trường bền vững và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, giám sát, quản lý phát triển ĐTTM.
Đề án cũng đưa ra các ra các giải pháp như: công tác thông tin tuyên truyền (đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của CBCCVC, DN, người dân; tăng cường tổ chức các sự kiện cung cấp thông tin, góp ý kiến…); cơ chế chính sách (rà soát các quy định, quy chế có liên quan đến ứng dụng CNTT; xây dựng, ban hành các quy định, quy chế theo thẩm quyền…); khoa học công nghệ (triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) và công nghệ điện toán đám...); tài chính (cân đối nguồn kinh phí hàng năm; xã hội hóa mọi thành phần, nguồn lực…).
Kinh phí thực hiện đề án: Ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo vốn đầu tư theo chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư trong phạm vi đề án được phê duyệt (ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT hàng năm cho các cơ quan , đơn vị, địa phương).
Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong nước (nhân dân, DN, các thành phần trong xã hội), ngoài nước (nghiên cứu, áp dụng các mô hình hợp tác công - tư PPP, vốn xã hội hóa và đề nghị hỗ trợ kinh phí từ Trung ương trong lĩnh vực phát triển ứng dụng CNTT và truyền thông.
Xây dựng, thiết kế đề án cần các chuyên gia CNTT
Cũng như tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định 2750/QĐ-UBND "Đề án xây dựng ĐTTM tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025".
Với tinh thần nhất quán, quyết tâm cao, tỉnh xác định mục tiêu chung xây dựng ĐTTM lấy người dân, DN làm trung tâm, các ứng dụng, giải pháp CNTT là công cụ để cải thiện và nâng cao tính tiện lợi cho người dân và DN, đồng thời giúp cho cơ quan quản lý nhà nước điều hành, quản trị ngày hiệu quả, chất lượng tốt hơn.
Theo đó, giai đoạn 2021-2022 đảm bảo triển khai, thí điểm các Trung tâm: Thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh,; giám sát, điều hành ĐTTM thành phố Lạng Sơn; thông tin điều hành của Sở GD&ĐT tỉnh.
Giai đoạn 2023 - 2025: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng ĐTTM đảm bảo triển khai ứng dụng thông minh trên tất cả các lĩnh vực: Giao thông, du lịch, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, tài chính, kế hoạch & đầu tư.
Cụ thể, việc triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh giai đoạn 2021-2022 và xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thành phố Lạng Sơn sẽ đảm bảo hoàn thành các trang bị phần cứng (hệ thống màn hình lớn hiển thị thông tin, thiết bị điều khiển màn hình, mạng bảo mật) và phần mềm (nền tảng và dữ liệu thông tin trên bản đồ số, hệ thống xử lý hình ảnh (VMS), các ứng dụng và cơ sở dữ liệu (CSDL...).
Phương thức triển khai thí điểm sẽ đấu thầu thuê dịch vụ CNTT (thực hiện sau thời gian thí điểm) và sử dụng nguồn vốn địa phương (giai đoạn thực hiện thí điểm chưa sử dụng ngân sách nhà nước).
Đối với giai đoạn 2023-2025, sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm (2021-2022) sẽ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để xây dựng và triển khai các hệ thống thành phần trên cơ sở các CSDL đã được số hóa hoặc kết nối liên thông CSDL.
Theo đó, xây dựng: Hệ thống y tế thông minh (hình thành kho dữ liệu ngành y tế, ứng dụng y tế thông minh, phần mềm phân tích và dự báo tình hình dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm...); giao thông thông minh (camera giám sát, cân tự động, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, biển báo giao thông linh hoạt...); tài nguyên, môi trường thông minh (vận hành các điểm quan trắc tự động không khí, trạm quan trắc nước, CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh)...
Việc sử dụng kinhh phí thực hiện, Quyết định nêu rõ, các cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung, nhiệm vụ cụ thể được giao tại Đề án này chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với từng nhiệm vụ cụ thể.
Các giải pháp, phương thức để tổ chức thực hiện bao gồm: Tuyên truyền (đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin, tăng cường quyền để người dân khai thác, theo dõi giám sát...); cơ chế, chính sách (ban hành các chính sách, quy định, quy trình quản lý, vận hành và sử dụng hạ tầng ĐTTM; cơ chế quản lý rủi ro, giám sát; tăng cường khuyến khích, hỗ trợ DN ứng dụng CNTT; các giao dịch điện tử...)...
Bên cạnh các giải pháp cụ thể nêu trên, đề án cũng đưa ra các lưu ý để hạn chế những rủi ro về kỹ thuật và công nghệ như: Dự án cần được thiết kế bởi các chuyên gia am hiểu về CNTT và nghiệp vụ của chuyên ngành ứng dụng, đặc biệt khi thiết kế cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, phân tích kỹ lưỡng quy trình xử lý nghiệp vụ. Ưu tiên lựa chọn phương án thuê ngoài dịch vụ, khi đó những thay đổi về công nghệ sẽ được nhà cung cấp khắc phục từ sự nâng cấp và chuyển dịch đối tượng sử dụng.
Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án
Cũng với quyết tâm hướng đến mục tiêu xây dựng, vận hành, phát triển ĐTTM, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch 41/KH-UBND về ĐTTM cho giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch nêu rõ, việc xây dựng và ban hành khung ICT phát triển ĐTTM tỉnh Bình Thuận được thực hiện, tham chiếu theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Theo đó, lộ trình các giai đoạn được thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2022 (Lựa chọn một số giải pháp ưu tiên trong các lĩnh vực trọng điểm như Chính quyền điện tử, quy hoạch quản lý đô thị, du lịch, an ninh an toàn để triển khai thí điểm tại thành phố Phan Thiết.
Giai đoạn 2023 - 2025: Đánh giá kết quả triển khai các giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2022, mở rộng mô hình triển khai cho các đô thị khác của tỉnh; Bổ sung thí điểm một số giải pháp lĩnh vực khác như giao thông, giáo dục, y tế... tại một số khu đô thị của tỉnh.
Giai đoạn sau 2025: Phát triển mô hình ĐTTM trên phạm vi toàn tỉnh: Đảm bảo tỉnh có: Trung tâm điều hành ĐTTM (giúp điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm, hiện đại, kênh truyền số liệu chuyên dùng, tốc độ cao...); hạ tầng quản lý và phát triển ĐTTM (quản lý thông tin đất đai; hệ thống đo đạc giám sát chất lượng không khí; hệ thống chiếu sáng ĐTTM; mạng di động 5G...); các ứng dụng, dịch vụ, tiện ích ĐTTM (Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên di động tích hợp bản đồ số du lịch; trung tâm giám sát tình hình trật tự công cộng và trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh...)...
Doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Thuận (Ảnh: nhandan.com.vn)
Nguồn vốn thực hiện đề án lấy từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tập trung của tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp CNTT hàng năm và nguồn xã hội hóa, tài trợ. Các cơ quan, đơn vị căn cứ các nội dung, nhiệm vụ được giao hằng năm tổ chức xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, trình phê duyệt theo cấp thẩm quyền để thực hiện theo quy định hiện hành.
Kế hoạch cũng nêu rõ, việc tổ chức thực hiện giao cho các đơn vị, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm, nghiêm túc triển khai thực hiện đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo Sở TT&TT - đơn vị đầu mối, theo dõi để tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh (định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu) kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
Theo: ictvietnam.vn