Năm 2021 sẽ là năm bản lề của chuyển đổi số tại Việt Nam

Thứ tư - 27/01/2021 02:29 0
Điểm sáng chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam trong năm 2021 có khả năng sẽ là khu vực nhà nước, khi tháng 6/2020, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Tại hội thảo về CĐS cho các tổ chức và doanh nghiệp (DN) Việt Nam với chủ đề "Business For Better" diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về tầm nhìn CĐS của Việt Nam trong năm 2021. 

PV: Ông có chia sẻ tại Hội thảo: Giáo dục là một lĩnh vực CĐS rất nhanh. Vậy theo ông, ngoài ra còn lĩnh vực nào mà Microsoft nhận thấy tốc độ CĐS vượt trội so với những năm trước không?

Ông Phạm Thế Trường: Như tôi có chia sẻ trong bài trình bày tại hội thảo, CĐS sẽ diễn ra khi có 4 yếu tố là: con người, công nghệ, quy trình và dữ liệu. Trong thời gian vừa rồi, do dịch bệnh xảy ra nên đã tạo một sức ép rất lớn cho ngành giáo dục đào tạo trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

 
2
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam – chia sẻ thông tin về CĐS tại Việt Nam và trên thế giới

Microsoft đã nỗ lực đồng hành với nhiều tổ chức, trong đó có iTrithuc với đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kết hợp với các sở, các phòng và các trường học, đưa công nghệ của Microsoft vào các cơ sở GD&ĐT, giúp cho học sinh, sinh viên tránh bị gián đoạn việc học tập.

Đấy chỉ là ví dụ, còn thực tế với cái nhìn của Microsoft thì CĐS đang diễn ra ở khắp mọi nơi, không trừ một doanh nghiệp (DN), một ngành nghề nào. Nó tạo ra một cơ hội và thách thức rất lớn đối với tất cả DN và tổ chức, bao gồm cả Chính phủ.

Điểm sáng CĐS của Việt Nam trong năm 2021 có khả năng sẽ là khu vực nhà nước khi mà tháng 6/2020 Thủ tướng Chính phủ có quyết định mang tính cột mốc rất lớn, giúp thay đổi cam kết cũng như tầm nhìn về CĐS ở khu vực Chính phủ. Nếu CĐS diễn ra ở Chính phủ thì chắc chắn CĐS sẽ diễn ra ở khắp mọi nơi, dọc theo các bộ, các địa phương. Do đó, CĐS sẽ diễn ra ở khắp các ngành nghề. Và với công nghệ 4.0, các ngành nghề có khả năng ứng dụng được công nghệ cho mình, không loại trừ một doanh nghiệp nào.

PV: Ông có dự đoán gì về CĐS của Việt Nam trong năm 2021?

Ông Phạm Thế Trường: Năm 2021 sẽ là năm bản lề của CĐS tại Việt Nam vì có rất nhiều sự thuận lợi.

Thứ nhất và quan trọng nhất đó là sự thuận lợi đến từ Chính phủ. Thời gian vừa rồi, thời lượng cuộc họp của cá nhân tôi hoặc team Microsoft đối với các cơ quan Chính phủ đã tăng đột biến. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy các bộ ngành muốn tìm hiểu về CĐS như bây giờ. Mà tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng hành chuyện đó.

Chúng ta muốn CĐS thì tư duy của con người phải thay đổi, thay đổi văn hóa làm việc, trong đó việc quản lý kỷ cương và hướng dẫn đến từng DN và người dân trên nền tảng số là vô cùng quan trọng. Ngày hôm nay khi tôi chụp hình bất kỳ ai và đưa lên Facebook, ngày mai hành động đó có thể là không hợp pháp. Từ "thành phố an toàn" không còn tồn tại trên giấy nữa mà được luật hóa và đưa vào cuộc sống. Nhiều tỉnh thành tuyên bố có đến 60-70% dịch vụ công cấp độ 4 được triển khai và người dân bắt đầu tương tác với các ứng dụng số để sử dụng dịch vụ hành chính công.

Chúng ta đã có những câu chuyện về những thành phố đo mực nước, khả năng mưa, gió, v.v. cho thành phố thông minh. Rất nhiều tỉnh đã bắt đầu câu chuyện về thành phố an toàn, khu công nghiệp thông minh. Các DN trong các khu công nghiệp thông minh cũng đang muốn CĐS. Từ đó nói lên rằng, quan trọng nhất và xuất phát điểm vẫn là chính phủ.

Sự thuận lợi thứ hai đó là sự ham hiểu biết của người Việt Nam. Bây giờ tôi lại thích làm việc với những kỹ sư ở trường đại học nhiều hơn. Tôi muốn trao cho họ cơ hội tiếp xúc với những công nghệ mới nhất và tin tưởng sau này sẽ có những Bill Gates Việt Nam, bởi vì trí tuệ đã được tích lũy và chín muồi từ những năm đầu Đại học. Đây là những điều kiện rất lớn cho chúng ta vì lực lượng lao động Việt Nam hiện nay rất trẻ.

 
3

Ông Phạm Thế Trường trao đổi với các phóng viên

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà chúng ta phải vượt qua, đó là làm thế nào để không chỉ là những cá nhân giỏi, mà là một tập thể giỏi. Việc CĐS thành công đầu tiên là quyết tâm nhìn nhận ở những người lãnh đạo cao nhất. Nếu như lãnh đạo làm tuyên truyền không tốt, nhân viên sẽ cảm thấy khó khăn hơn rất nhiều khi triển khai sử dụng. Do đó, rào cản chính là lãnh đạo các tổ chức, sau đó mới là công nghệ, nhà thầu, kế hoạch triển khai….

PV: CĐS sẽ là tác động đến việc làm, nhiều công việc cũ sẽ bị đào thải. Như vậy, cơ cấu loại hình công việc sẽ có sự chuyển đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Thế Trường: Nhiều người nói tự động hóa và CĐS làm mất đi một số công việc. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDC, trong thời gian 3 năm tới, khoảng 26% các công việc hiện nay đang tồn tại sẽ bị mất đi nhưng lại sinh ra 27% nhu cầu sử dụng lao động với những kỹ năng mới.

Như vậy, công nghệ và CĐS giúp DN hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn, ra quyết định nhanh hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh. Nó làm mất đi 26% công việc nhưng lại tạo ra 27% nhu cầu công việc với kỹ năng mới. Do đó, lực lượng lao động mà các DN sử dụng là không mất đi nhưng phải được đào tạo và làm công việc theo những kỹ năng mới.

PV: Ông chia hãy sẻ kế hoạch của Microsoft trong thời gian tới là gì? Microsoft có tiếp tục kí Biên bản ghi nhớ (MoU) với các bộ, ban, ngành như trước đây không?

Ông Phạm Thế Trường: Tôi không phải là người thích kí Biên bản ghi nhớ (MoU). Trong 3 năm làm Microsoft, tôi chỉ kí 2 Biên bản ghi nhớ với Viettel và Bộ GD&ĐT. Tôi cũng chưa kí một văn bản đòi tiền bản quyền của một DN nào. Nhưng doanh số phát triển của Microsoft tại Việt Nam tăng trưởng rất tốt.

Khi vào Microsoft, tôi thấy tình trạng nhiều DN mua sản phẩm của Microsoft nhưng dùng không hết, chỉ sử dụng khoảng 20% tính năng. Nhiều tổ chức chi tiền mua mà không biết vì sao mua, có khi vì mệnh lệnh hành chính thì phải mua. Do đó, tôi muốn họ nhận thức và tối ưu hóa được những tính năng còn lại đó cho tổ chức của mình.

Với kinh nghiệm hỗ trợ nhiều tổ chức và DN Việt Nam, từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, các tập đoàn bất động sản, đến các DN tiêu dùng, bán lẻ và sản xuất, triển khai CĐS cũng như khai thác dữ liệu số thành công, Microsoft cung cấp những giải pháp và công nghệ đa dạng và tùy chỉnh cho từng yêu cầu khác nhau của DN, từ nền tảng Mordern Workplace cho các nhu cầu làm việc từ xa, các giải pháp kinh doanh BizApp, đến các nền tảng lưu trữ đám mây Azure và phân tích dữ liệu và AI. 

Hiện nay, Microsoft tại Việt Nam phát triển rất tốt và phát triển bền vững. Nhiều tổ chức và DN sau khi triển khai giải pháp của chúng tôi đã mua thêm, nâng cấp thêm, bởi họ nhìn nhận được những tính năng hiệu quả cho tổ chức của mình.

PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

 
Theo: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây