Quý I/2021, việc triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, trong đó có sự tăng trưởng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 đạt 56,47%...
Đó là một trong số nhiều nội dung quan trọng được thể hiện trong báo cáo tổng hợp của Bộ TT&TT về kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 của các bộ, ngành, địa phương trong quý I/2021 vừa qua.
Tăng trưởng tỷ lệ DVCTT mức 3,4 đạt 56,47%
Theo đó, đến ngày 20/3/202, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh với mức độ 3, 4 đạt 56,47% (mức độ 3 là 24,37%, mức độ 4 là 32,11%).
Hiện nay, Cổng DVCTT đã tích hợp, cung cấp 2.804 DVCTT; hơn 122 triệu lượt truy cập, hơn 491.000 tài khoản đăng ký; hơn 44,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 995.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng; Tiếp nhận, hỗ trợ trên 55.000 cuộc gọi và hơn 10,7 nghìn phản ánh, kiến nghị; trên 22.000 giao dịch thanh toán thành công trên Cổng với số tiền trên 29 tỉ đồng.
Trong số kết quả chung đạt được nêu trên, ở lĩnh vực xây dựng các nền tảng, hệ thống CSDL để phát triển CPĐT, các đơn vị như: Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Tư pháp… đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, tích cực thực hiện, bước đầu đạt những kết quả.
Cụ thể, Bộ Công an đã tổ chức khai trương hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) ngày 25/02/2021. Đến nay đơn vị đã hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy, thành lập và vận hành hiệu quảTrung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (gồm 5 phòng và trung tâm), giúp thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3, cơ quan chức năng đã thu thập gần 600.000 hồ sơ cấp căn cước công dân và tiến hành sản xuất, in thẻ CCCD có gắn chip cho người dân trên toàn quốc. Cán bộ Công an Hà Nội nỗ lực làm việc ba ca để cấp mới CCCD gắn chíp cho người dân - Ảnh: Diên Khánh
Tại cuộc họp tháng 3 vừa qua, Bộ Công an đánh giá, việc vận hành tốt 2 hệ thống trên sẽ góp phần đổi mới việc quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, hỗ trợ đắc lực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực (theo dự kiến đến ngày 1/7/2021 sẽ có 50 triệu thẻ CCCD có gắn chíp điện tử được cấp cho công dân đủ điều kiện từ 14 tuổi trở lên).
Cũng như ngành Công an, BHXH Việt Nam thời gian qua tiếp tục tăng cường việc làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành BHXH, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Đơn vị trên đã tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp… Như vậy, việc hoàn thiện CSDL chuyên ngành BHXH sẽ giúp đơn vị cải cách TTHC, nâng cao được chất lượng phục vụ người dân, hướng tới đạt mục tiêu chung xây dựng, hoàn thiện CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
Là đơn vị thuộc Chính phủ, Bộ Tư pháp với chức năng thực hiện quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đơn vị trên thời gian qua đã triển khai đạt được những kết quả nổi bật trên lĩnh vực CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc. Tính đến ngày 23/3/2021, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp đã có 14.403.503 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 5.439.427 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 3.241.742 dữ liệu đăng ký kết hôn; 2.229.836 dữ liệu đăng ký khai tử và 4.599.643 dữ liệu khác…
Như vậy, với những kết quả ban đầu đạt được trên, việc đẩy mạnh CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc giờ đây đang là một lợi thế bắt buộc của quá trình số hóa, hiện đại hóa nguồn dữ liệu thông tin hộ tịch cá nhân, đồng thời kết nối, cung cấp thông tin đầu vào cho CSDL quốc gia về dân cư.
Bên cạnh những kết quả nổi bật của các đơn vị trên, báo cáo cũng chỉ rõ, nhiều đơn vị cấp tỉnh, thành phố, địa phương đã nghiêm túc, tích cực thực hiện nhiệm vụ quan trọng xây dựng chính quyền điện tử theo Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.
"Quý I năm 2021, việc triển khai CPĐT nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định; tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp đẩy mạnh cung cấp DVCTT; đẩy mạnh công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh…", báo cáo đánh giá.
Nhiều văn bản quan trọng được ban hành
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, truyền thông, đồng thời là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ tổng hợp báo cáo, hỗ trợ các địa phương, đơn vị thực hiện việc phát triển CĐS, triển khai CPĐT, trong quý I/2021, Bộ TT&TT cũng luôn là đơn vị tích cực, chủ động triển khai việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP.
Trong số đó những kết quả đạt được, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, do đó ngày 03/02/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành ngày Quyết định số 129/QĐ-BTTTT về việc ban hành Hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư CNTT tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Quyết định 377/QĐ-BTTTT ngày 26/03/2021 phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chuyển đổi số (CĐS); Quyết định số 91/QĐ- BTTTT ngày 25/01/2021 thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và An toàn, An ninh mạng Bộ TT&TT; Bộ TT&TT đã trình Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; …
Đặc biệt, cũng trong thời gian này, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng DN Việt xây dựng các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện CĐS quốc gia, hàng tuần Bộ TT&TT giới thiệu, khai trương một nền tảng quan trọng… Bộ TT&TT luôn tích cực, chủ động chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng DN Việt xây dựng các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện CĐS quốc gia
Đối với vấn đề bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng, Bộ TT&TT luôn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ góp phần giữ thành quả đạt được mà còn còn đảm bảo sự liên thông, liên tục cho quá trình vận hành hệ thống. Do đó, Bộ luôn tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc bộ tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh.
"Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Bộ TTTT thời gian qua ghi nhận 1.271 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; giảm 20% so với cùng kỳ quý I/2020…", báo cáo nêu rõ.
Chính phủ cần ban hành, hoàn thiện các thể chế phát triển CPĐT
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các đơn vị khi thực hiện triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP như: Thiếu các Nghị định về hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT (Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về định danh, xác thực điện tử;…); chậm triển khai CSDL đất đai quốc gia; hạn chế việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, công việc tại cấp bộ, tỉnh, huyện, xã khi thực hiện, xử lý trên môi trường mạng chưa đạt mục tiêu đề ra…
Để phát huy hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu khi thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP cũng như giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ TT&TT đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung trọng tâm như: Chính phủ xem xét, ban hành các Nghị định quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển CPĐT gồm: Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành: Xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số và bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2021-2025 & Kế hoạch năm 2021; xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án CĐS cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình CĐS quốc gia; sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của đơn vị mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020; xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm ATTT.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp DVCTT phục vụ người dân và DN; triển khai thực hiện các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng CPĐT tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021; triển khai nhiệm theo yêu cầu Công văn số 1250/VPCP-KSTT ngày 25/02/2021; nghiêm túc, thường xuyên báo kết quả theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2020/TT-VPCP ngày 21/10/2020.
Đặc biệt, các bộ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai CSDL quốc gia, trong đó nhấn mạnh (đến tháng 7/2021) Bộ Công an cần thực hiện bảo đảm tiến độ triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về Dân cư để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính, Bộ TN&MT hoàn thành xây dựng, sử dụng, kết nối, chia sẻ CSDL đất đai quốc gia.
Như vậy, trên cơ sở báo cáo nêu trên, chúng ta thêm một lần nữa khẳng định việc tổng kết, đánh giá lại kết quả thực hiện từng tháng/quý là cần thiết, quan trọng, bởi lẽ nó giúp chúng ta biết được "kết quả" việc mình làm, và nếu chúng ta thu được "kết quả" trong hiện tại thì đây sẽ là "chất liệu" để xây dựng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững CPĐT trong tương lai. Theo ictvietnam.vn