Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã chính thức được Bộ Công an khai trương vào ngày 25/02/2021, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) nhanh tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 896.
Từ Đề án 896…
Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) giấy tờ công dân và CSDL liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896), giai đoạn 2013-2020 là bước đột phá trong công tác quản lý dân cư ở nước ta, với mục tiêu tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Xây dựng CSDL quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân.
Đề án được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích về đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân một cách đơn giản nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; giảm chi phí cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch hành chính, tiết kiệm về tài chính, nhân lực trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và vận hành hệ thống nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án 896 diễn ra sáng 23/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh: Sự ra đời của Đề án 896 đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC cho người dân, DN nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN) trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phục vụ QLNN và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảm giấy tờ công dân, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng CPĐT ở Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đây là một đề án lớn, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng CPĐT tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng, cố gắng từng giây, từng phút, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án với tinh thần quyết tâm, không ngại gian khổ, khó khăn, thách thức.
.. đến hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư
Đề án 896 cũng như dự án CSDL quốc gia về dân cư đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi CSDL quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan QLNN nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử,... Hiện nay người dân có thể trích xuất dữ liệu cá nhân trên thẻ căn cước công dân qua mã QR.
Ảnh: Bá Đô (Nguồn: vnexpress)
Việc Bộ Công an tổ chức khai trương CSDL quốc gia về dân cư vào ngày 25/02/2021 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển CPĐT, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để bảo đảm thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư luôn được đầy đủ, chính xác, kịp thời, khai thác được hiệu quả, CSDL quốc gia về dân cư cần phải kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư của các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc.
4 yêu cầu cần thiết trong xây dựng các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến dân cư
Kinh nghiệm xây dựng CPĐT của các nước trên thế giới cho thấy vấn đề kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin là đặc biệt quan trọng. Việc này giúp các cơ quan Chính phủ trao đổi và sử dụng thông tin một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và DN; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành trong nội bộ của Chính phủ, giúp hỗ trợ các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin kịp thời, đầy đủ và nhất quán.
Tại Việt Nam, từ thực tiễn triển khai CPĐT thời gian vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy thách thức chính trong xây dựng, phát triển CPĐT cũng chính là "liên thông, tích hợp", đặc biệt là kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu từ các CSDL quốc gia quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển CPĐT. Và để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả thì thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư cần phải "đúng, đủ, sạch và sống" theo đúng phương châm mà Bộ Công an đã đặt ra.
Để giải quyết bài toán này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án 896, ông Đỗ Công Anh, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã đưa 04 nhóm yêu cầu thiết yếu cần phải đáp ứng khi triển khai các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư, khai thác thông tin dân cư để kết nối được với CSDL quốc gia về dân cư bảo đảm hiệu quả, thông suốt, an toàn, an ninh mạng.
Đồng bộ về định hướng, quy định, kế hoạch
Khác với việc triển khai các CSDL, hệ thống thông tin độc lập, chỉ phục vụ cho nhu cầu của 01 cơ quan, đơn vị, việc xây dựng và phát triển CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư cần phải có phương án đồng bộ về định hướng phát triển, kế hoạch triển khai. Có như thế mới bảo đảm việc triển khai nhiều hệ thống được chủ trì bởi nhiều cơ quan được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Để triển khai hiệu quả, Bộ TT&TT nhận thấy có các yêu cầu như sau. Một là, định hướng xây dựng, phát triển CSDL quốc gia về dân cư, và các CSDL, hệ thống thông tin liên quan cần phải được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển CPĐT, hướng đến chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cần phải được thể chế hóa trong các quy định quản lý chuyên ngành để có đủ căn cứ pháp lý triển khai được hiệu quả, hiệu lực.
Ba là, các bộ, ngành chủ trì triển khai các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư cần phải công khai kế hoạch chi tiết với Bộ TT&TT và Bộ Công an.
Tuân thủ quy định, hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước
Trong nhiều năm, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là điểm nghẽn của quá trình phát triển CPĐT. Một trong các nguyên nhân chính là thiếu quy định pháp lý, dẫn đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu là tự phát, dựa trên sự tự nguyện của các bên tham gia.
Thời gian vừa qua, để thúc đẩy triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc trực tiếp ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn kỹ thuật, cụ thể: Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Thông tư số 02/2017/TT-BTT&TT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN 109:2017:BTT&TT); Thông tư số 13/2017/TT-BTT&TT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Thông tư số 03/2017/TT-BTT&TT ngày 24/4/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Đồng bộ trong quá trình triển khai
Việc các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành xây dựng, phát triển bằng nhiều đề án, dự án, nhiệm vụ dẫn đến cần thiết phải có cơ chế điều phối trong triển khai các dự án, đề án để bảo đảm việc triển khai là đồng bộ, hiệu quả. Do đó, khi xây dựng quy định chuyên ngành cho CSDL, hệ thống liên quan đến quản lý dân cư, Bộ, ngành chủ quản cần xem xét mời Bộ TT&TT, Bộ Công an tham gia Ban biên tập, Tổ soạn thảo để tham gia xây dựng các nội dung liên quan đến kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư
Ngoài ra cần xin ý kiến góp ý của Bộ TT&TT, Bộ Công an, đặc biệt là các nội dung về việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ quan cần cử đơn vị, cán bộ đầu mối để cùng với Bộ TT&TT, Bộ Công an tạo thành các nhóm làm việc phục vụ tạo lập, quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các kết nối.
Sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT quản lý
Thực hiện nhiệm vụ về tổ chức triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, chủ trì triển khai Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ TT&TT đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào sử dụng phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc. Nền tảng này là "xương sống" cho kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc.
Hiện tại, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với hơn 200 hệ thống thông tin của hơn 85 bộ, ngành, địa phương, DN; kết nối với 05 CSDL quốc gia, 07 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương; từ năm 2019 đến nay đã có hơn 12 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đáng chú ý, từ tháng 10/2019 đến hết ngày 22/4/2021, đã có hơn 1,9 triệu hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
"Bộ TT&TT tin rằng với tổng thể các yêu cầu như đã trình bày bên trên, cùng sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ Công an, sự đồng hành của Bộ TT&TT, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã có "Điều kiện cần" và "Điều kiện đủ" để có thể sớm đưa CSDL quốc gia về dân cư chính thức đưa vào sử dụng, khai thác ngay trong năm 2021. Đây được xem là một trong các điều kiện tiên quyết để có thể phát triển nhanh CPĐT, hướng đến Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam", ông Đỗ Công Anh nhấn mạnh. Theo ictvietnam.vn