Bộ TT&TT yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối CSDL quốc gia về dân cư
Hoài Nam
2021-05-20T03:46:01-04:00
2021-05-20T03:46:01-04:00
http://ict.thainguyen.gov.vn/tin-hoat-dong-2/bo-tt-tt-yeu-cau-cac-tinh-thanh-pho-day-manh-ket-noi-csdl-quoc-gia-ve-da-n-cu-214.html
http://ict.thainguyen.gov.vn/uploads/news/2021_05/18.jpeg
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên
http://ict.thainguyen.gov.vn/uploads/logo.png
Bộ TT&TT vừa đề nghị các tỉnh, thành phố Trung ương đẩy mạnh triển khai kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, phục vụ xử lý thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Theo Bộ TT&TT, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số là tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 4. Đến hết năm 2020, tỷ lệ trung bình DVCTT mức độ 4 được cung cấp đạt khoảng 31%, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho biết chất lượng DVCTT vẫn chưa cao, người dân vẫn phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần, thủ công.
Để có thể nâng cao chất lượng xử lý TTHC, cung cấp DVCTT mức độ 4, theo hướng lấy người dân làm trung tâm, cần thiết phải kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư nhằm tự động hoá việc xác minh, điền thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Ngày 25/02/2021, Bộ Công an đã khai trương CDSL về dân cư, dự kiến đưa vào vận hành, khai thác chính thức trên diện rộng từ ngày 01/7/2021. Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành thử nghiệm kết nối CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý TTHC, cung cấp DVCTT của 04 địa phương (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng); kinh nghiệm kết nối thử nghiệm là cơ sở để kết nối chính thức, trên diện rộng thời gian tới.
Việc kết nối với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý TTHC, cung cấp DVCTT của các bộ, ngành, địa phương phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0. Để triển khai kết nối trên diện rộng CSDL quốc gia về dân cư được đồng bộ, kịp thời, hiệu quả ngay từ ngày 01/7/2021, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai ngay các công việc.
Về kết nối kỹ thuật, yêu cầu rà soát kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với các ứng dụng trong nội bộ thông qua mạng WAN hoặc mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh và với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia thông qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đồng thời hoàn thành thử nghiệm kết nối LGSP của tỉnh với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đề nghị các tỉnh, thành rà soát, triển khai hoạt động giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin của tỉnh phục vụ kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư.
Về nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, các tỉnh, thành phố Trung ương cần tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện phần mềm Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, thử nghiệm kết nối với LGSP của tỉnh để khai thác CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý TTHC, cung cấp DVCTT. Trước hết, ưu tiên triển khai cho 236 DVCTT thiết yếu, có nhu cầu khai thác dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các tỉnh ưu tiên nguồn lực của tỉnh triển khai các nhiệm vụ trên. Sở TT&TT sẽ là đơn vị đầu mối tổ chức, điều phối thống nhất triển khai các nội dung nêu trên tại tỉnh. Cục Tin học hóa là đầu mối tổ chức, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung theo tiến độ đặt ra.
Cuối tháng 4/2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh Đề án là một những dự án có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị này, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 896 cho biết, đến nay, nhiệm vụ xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp Căn cước công dân đã được thực hiện theo đúng tiến độ, cơ bản hoàn thành việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến triển khai 2 dự án.
Tính đến ngày 5/3, đã thu thập được trên 86,6 triệu phiếu DC01 của 59/63 địa phương; tiến hành chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu của Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh; cập nhật được trên 16 triệu phiếu DC02. Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư "đúng, đủ, sạch, sống". Theo ictvietnam.vn