Chuyển đổi hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số

Thứ hai - 01/03/2021 09:08 0
Chuyển đổi hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số các ngành mà Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Bởi vậy, “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Cục Viễn thông trong việc tận dụng cơ hội khi hạ tầng viễn thông chuyển dịch thành hạ tầng của nền kinh tế số” nhằm thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, đi trước một bước, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Phong Nhã, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Viễn thông tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2021 của Đảng bộ Bộ TT&TT diễn ra sáng ngày 21/1/2021 , tại Hà Nội.
Chuyển đổi hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số

20210121-l9.jpg


Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Viễn thông chia sẻ tham luận tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, để tận dụng tốt cơ hội khi hạ tầng viễn thông chuyển dịch thành hạ tầng của nền kinh tế số, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Cục Viễn thông đã xác định cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và đấy đủ chủ trương của Ban cán sự Đảng về chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ TTTT nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4; Nghị quyết 50/NQ/CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52/NQ-TW; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ tới 100% đảng viên thuộc Đảng bộ nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận trong triển khai thực hiện. Đồng thời yêu cầu các chi ủy xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể đối với từng Chi bộ.

Hai là, Tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo Bộ chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số như: Sửa đổi luật Viễn thông; xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm quản lý và thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển, có khả năng ảo hóa, xây dựng hạ tầng cloud, sử dụng các công nghệ AI, Big Data, IoT để sẵn sàng ứng dụng X-Tech (FinTech, AgriTech, EduTech).

Ba là, Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Viễn thông thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, cụ thể: Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng (cố định, di động 4G, 5G) chất lượng cao trên toàn quốc. Phát triển hạ tầng 5G theo từng pha, từng giai đoạn theo nhu cầu của thì trường, bắt đầu từ các thành phố lớn, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo. Hạ tầng viễn thông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các ngành như giao thông, y tế, môi trường …; Xây dựng hạ tầng viễn thông vững chắc, trước mắt mỗi một xã có một trạm phát sóng di động chịu được rủi ro thiên tai cấp 4, hoạt động ổn định 24/7 và trạm phát sóng này sẽ mở dịch vụ chuyển vùng giữa các nhà mạng khi thiên tai xảy ra. Trạm cũng có khả năng đáp ứng lắp đặt các trạm truyền thanh không dây để dùng chung hạ tầng điện lưới, tín hiệu di động giúp cho công tác tuyên truyền của chính quyền các cấp được duy trì hoạt động 24/7 và trong mọi tình huống.

Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng các tuyến cáp quang biển nhằm mở rộng dung lượng và bảo đảm an toàn mạng lưới. Đề xuất sử dụng quỹ viễn thông công ích để xây dựng hạ tầng viễn thông tại các thôn, các xã vùng sâu, vùng xa; đưa kinh tế số tới từng thôn bản để sớm hoàn thành mục tiêu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Số thuê bao băng rộng di động đạt tỷ lệ 100% dân số; Tốc độ tải xuống băng rộng di động đạt 70 Mb/s; mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh.

Ngoài ra, chỉ đạo, phối hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu điện thoại xây dựng kế hoạch phát triển điện thoại thông minh trong đó chú trọng đào tạo sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để phục vụ sản xuất kinh doanh, cuộc sống hàng ngày của người dân với mục tiêu trong năm 2021, 90% số người sử dụng điện thoại thông minh trong tổng số thuê bao điện thoại.

Bốn là, tham mưu giúp Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành phố; nâng cao vai trò và trách nhiệm trong xây dựng hạ tầng viễn thông an toàn, có khả năng dự phòng cao với chất lượng mạng lưới ổn định để đầu tư đi trước một bước đáp ứng nhu cầu của của nền kinh tế số tại các tỉnh, thành phố.

Năm là, làm tốt công tác chính trị tư tưởng; nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề thực tế phát sinh; gắn liền với việc phát huy tốt năng lực, sở trường, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Với sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ TT&TT; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp, sự phấn đấu vươn lên của tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, Đảng bộ Cục Viễn thông sẽ tiếp tục làm tốt vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp viễn thông nắm bắt cơ hội phát triển bền vững khi hạ tầng viễn thông chuyển dịch thành hạ tầng của nền kinh tế số, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Viễn thông tin tưởng./.

Theo trang tin Bộ Thông tin và Truyền thông-mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây