Luật Giao dịch điện tử sửa đổi tạo hành lang cho doanh nghiệp phát triển

Chủ nhật - 02/07/2023 21:41 0
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Trung tâm chứng thực điện tử chữ kí số (NEAC) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về kỹ thuật và giao ban quản lý quý II với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng. Trong đó, một nội dung quan trọng trong chương trình hội nghị việc trao đổi, đưa ra các định hướng để phát triển ngành khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi tạo hành lang cho doanh nghiệp phát triển
20230629-ta3.jpg

Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết, Quốc hội vừa thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đây sẽ là cơ hội không chỉ thúc đẩy các dịch vụ số của Việt Nam phát triển, mà riêng đối với NEAC, đơn vị sẽ cố gắng hết sức, truyền tải đầy đủ nội hàm, ý nghĩa của các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung mới để từ đó, chúng ta có thể cùng nhau trao đổi, đưa ra các định hướng để phát triển ngành, lĩnh vực một cách thấu đáo, khẩn trương. Luật ban hành đã tạo cơ hội lớn, giúp thị trường ngày càng rộng mở, tuy nhiên, việc có tận dụng được thời cơ và sức bật lớn hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào sự quyết tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành viên CA.

Theo đó, Luật giao dịch điện tử sửa đổi chắc chắn sẽ tạo không gian phát triển mới, rộng mở hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Vì thế, hơn ai hết các CA công cộng cần là những doanh nghiệp đầu tiên nắm bắt cơ hội này. Các CA công cộng tới đây sẽ không chỉ dừng lại ở không gian chữ ký số, mà còn mở rộng thị trường với nhiều dịch vụ về thông điệp dữ liệu.
 
Giám đốc NEAC cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xây dựng hành lang pháp lý để thi hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức trong nước nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NEAC, các bộ, ban, ngành cùng các doanh nghiệp để sớm đưa ra các Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai Luật.
 
"NEAC mong muốn các DN, hiệp hội, câu lạc bộ cùng chung tay, đề xuất những cách làm hay, những chính sách phù hợp, từ đó, cùng nhau chúng ta sẽ xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ tin cậy, tạo dựng một nền tảng vững chắc để thúc đẩy giao dịch điện tử đến từng ngóc, ngách của xã hội”, bà Tô Thị Thu Hương nhấn mạnh.
 
20230629-ta2.jpg

 
Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Tổ xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (gọi tắt là Tổ luật) đã phổ biến những nội dung chính của Luật này với các CA công cộng.

Theo đó, Luật GDĐT (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, gồm 08 Chương, 53 Điều. Thông qua các quy định, điều khoản mới, Luật giúp thúc đẩy các GDĐT theo hướng toàn trình trên 04 trụ cột chính: pháp lý; dịch vụ tin cậy; chính sách thúc đẩy; chính sách quản lý.

Đặc biệt, Luật công nhận giá trị pháp lý cho các nội dung, lĩnh vực như: CKS chuyên dùng công vụ do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp; Chữ ký điện tử (CKĐT) chuyên dùng do Bộ TT&TT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn; CKS công cộng do các doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện cung cấp được Bộ TT&TT cấp phép; chứng thư điện tử; dịch vụ CKS; chính sách hỗ trợ GDĐT của cơ quan nhà nước (CQNN)…

Cụ thể, nội dung trong Chương I (Điều 1 - 6): Luật mở rộng phạm vi áp dụng GDĐT tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội; giúp nhiều luật chuyên ngành hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số; Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công cộng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm sự tự nguyện (tự nguyện thực hiện, lựa chọn công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác) liên quan đến GDĐT…

Hơn nữa, ở Chương I này, Luật quy định rõ các hành vi bị cấm trong GDĐT như: Không được lợi dụng GDĐT xâm phạm đến lợi ích quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở quá trình tạo, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu (TĐDL) hoặc phá hoại hệ thống thông tin phục vụ GDĐT; thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật TĐDL; giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ TĐDL; cản trở việc lựa chọn thực hiện GDĐT; hành vi bị cấm khác…

Ở Chương II (Điều 7- 21), Luật bổ sung chặt chẽ các giá trị pháp lý đối với vấn đề về dữ liệu: Bổ sung giá trị làm chứng cứ theo Luật này và pháp luật về tố tụng; bổ sung quy định về công chứng, chứng thực TĐDL; bổ sung về chuyển đổi qua lại giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, chứng thư điện tử; cho phép lựa chọn lưu trữ dưới dạng văn bản giấy hoặc TĐDL…

Chương III (Điều 22 - 33), cụ thể hoá CKĐT và dịch vụ tin cậy (DVTC). Trong đó CKĐT được phân loại theo phạm vi sử dụng bao gồm: CKĐT chuyên dùng, CKS công cộng và CKS chuyên dùng công vụ. Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.

Đối với DVTC, Luật quy định chi tiết, cụ thể đối với các đơn vị, DN cung cấp dịch vụ phải đảm bảo đáp ứng: (i) 05 điều kiện kinh doanh (DN thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có tài chính, nhân lực quản lý và kỹ thuật phù hợp; hệ thống thông tin (HTTT) cung cấp DVTC phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về ATTT mạng; có phương án kỹ thuật phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ phù hợp; sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu bằng phương tiện điện tử);

(ii) 08 trách nhiệm (Công khai quy trình đăng ký sử dụng dịch vụ, biểu mẫu, chi phí; kênh tiếp nhận thông tin và cung cấp dịch vụ liên tục 24/7; lưu trữ hồ sơ, tài liệu và kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo bằng phương tiện điện tử; trang thiết bị trong hệ thống thông tin được cấp mã quản lý, sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ việc quản lý nhà nước (QLNN); thực hiện biện pháp nghiệp vụ, tạm dừng, chấm dứt cung cấp dịch vụ… theo yêu cầu của CQNN có thẩm quyền; thực hiện yêu cầu bảo đảm ATTT mạng tối thiểu cấp độ 3; báo cáo hàng năm; nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư CKS).

Tại Chương IV (Điều 34 -38), quy định việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử (HĐĐT), Luật bổ sung quy định đối với hợp đồng được ký kết qua HTTT tự động; cho phép các Bộ ban hành theo thẩm quyền quy định về HĐĐT trong ngành, lĩnh vực của mình.

Chương V (Điều 39 - 44), bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu (CSDL), dữ liệu mở, các chính sách hỗ trợ GDĐT của CQNN. Theo đó, quy định mới yêu cầu về các nội dung: Quản lý, tạo lập, thu thập dữ liệu và CSDL; quy định về dữ liệu mở; quy định về hoạt động của CQNN trên môi trường điện tử, theo đó cho phép việc thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm để tư vấn xây dựng CSDL và thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ GDĐT của CQNN.

Cũng chặt chẽ như Chương V, ở Chương VI (Điều 45 - 48), bổ sung quy định về cụ thể các loại HTTT, nền tảng số phục vụ GDĐT; trách nhiệm chủ quản các HTTT, nền tảng số phục vụ GDĐT, trách nhiệm giám sát tuân thủ và biện pháp bảo vệ GDĐT cũng như trách nhiệm báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về GDĐT.

Chương VII (Điều 49 - 50), quy định cụ thể về trách nhiệm QLNN về GDĐT như: Chính phủ thống nhất QLNN về GDĐT; Bộ TT&TT là đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ; bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh cần phối hợp tích cực với với Bộ TT&TT để thực hiện nhiệm vụ; Bộ Quốc phòng quản lý trong lĩnh vực cơ yếu, CKS chuyên dùng công vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về CKS…

Chương VIII (Điều 51 – 53), quy định về các điều khoản thi hành, chuyển tiếp. Trong đó các chứng thư số được cấp trước đây vẫn còn giá trị thì tiếp tục thực hiện theo quy định cũ và có giá trị như “chứng thư CKS” theo Luật này; Giấy phép, giấy chứng nhận về cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam,... được cấp trước đây vẫn còn giá trị thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn; Xác nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT trong thương mại trước đây được tiếp tục sử dụng đến 30/6/2027; Hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT trong thương mại đã nộp trước đây nhưng chưa có xác nhận đăng ký thì tiếp tục áp dụng quy định về thương mại điện tử…

Như vậy, có thể nói với các quy định quan trọng trong Luật GDĐT sửa đổi vừa được ban hành sẽ là công cụ quan trọng để chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh các GDĐT. Và khi chúng ta làm tốt, những hiệu quả số sẽ được tạo ra giúp góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng đến một Việt Nam số phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, đại diện các CA công cộng tham dự hội nghị đều thống nhất rằng, việc Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực trong năm 2024 là cơ hội rất lớn, giúp cho thị trường sẽ càng ngày càng rộng mở.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây