Phát triển hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Chủ nhật - 02/07/2023 22:28 0
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phát triển hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
20230607-m09_1.jpg

Hiện có gần 80 triệu người dân được cấp căn cước công dân gắn chíp. (Ảnh minh họa)

Trong 3 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhằm thực hiện các đột phá chiến lược thì chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai, cụ thể: "Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam có Ngày chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia chuyển biến tích cực, lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. 

Đến nay, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 05 năm. Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là một trong những thành tựu nổi bật - đề án đầu tiên có đầu tư bài bản lớn nhất từ trước đến nay. 

Hiện gần 80 triệu người dân được cấp căn cước công dân gắn chíp, nhờ đó dễ dàng tiếp cận hàng nghìn dịch vụ công trực tuyến. Có 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gấp 3 lần năm 2021; số tiền thanh toán lên tới 5,8 nghìn tỷ đồng.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam cũng chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ của hạ tầng số với mạng di động 3G, 4G đạt tỷ lệ phủ sóng rộng khắp đạt tới 99,7%.

Hạ tầng công nghệ thông tin đang hướng tới phát triển Internet kết nối vạn vật, thành phố thông minh, sản xuất thông minh. Hệ thống mạng 5G dự kiến được thương mại hóa vào đầu năm 2024. Việc chia sẻ kết nối dữ liệu giữa các Bộ, ngành địa phương đang được đẩy mạnh. Nhiều giải pháp đang được áp dụng nhằm sẵn sàng một hạ tầng số có phạm vi rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra những yêu cầu quan trọng đối với chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, chuyển đổi số đã và đang là cuộc cách mạng của toàn dân, nhằm đưa đất nước bứt phá, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây