Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) điều hành IOC Thái Nguyên. |
Để xây dựng thành công đô thị thông minh, Thái Nguyên đã ưu tiên xây dựng và đưa vào sử dụng IOC tỉnh và IOC của các thành phố. IOC của tỉnh là trung tâm điều hành và kiểm soát cho các đô thị thông minh, nơi mà tất cả mọi thứ được kết nối lại với một hệ thống thông tin thông qua các dịch vụ và thiết bị thông minh trên toàn tỉnh.
Theo đó, Trung tâm tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền…
Hiện tại, IOC Thái Nguyên đã hoàn thành 11/12 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng như: Phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành; triển khai ứng dụng công dân C-ThaiNguyen; tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; nền tảng quản lý camera tập trung tích hợp 409 camera; hệ thống giám sát, điều hành giao thông trang bị phần mềm giám sát giao thông và triển khai lắp đặt 3 camera đọc biển số tại 3 nút giao thông trọng yếu; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh với 7 camera; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống cảnh báo cháy, số hóa hệ thống cảnh báo cháy nhanh, phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh...
Ông Vũ Đình Giang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) - đơn vị phụ trách vận hành IOC Thái Nguyên, cho rằng: Sau 2 năm hoạt động, IOC Thái Nguyên thực sự là “bộ não số” của đô thị thông minh Thái Nguyên.
Để chứng minh, ông Giang lấy số liệu mới nhất IOC Thái Nguyên tổng hợp trong tháng 4-2023. Theo đó, IOC Thái Nguyên đã tiếp nhận gần 2,4 nghìn phản ánh của người dân gửi đến chính quyền các cấp thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen. Phát hiện trên 19,3 nghìn phương tiện tham gia giao thông chưa đúng quy định qua nút giao đường Hoàng Ngân - Cách mạng Tháng Tám. IOC Thái Nguyên cũng thống kê có trên 1,6 triệu lượt phương tiện giao thông đi qua cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tăng 7 lần so với tháng trước…
Những số liệu, dữ liệu chính xác từ IOC đã giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực. Từ đó hỗ trợ tối đa cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Điều hành thông minh TP. Sông Công bao gồm 11 lĩnh vực giám sát, điều hành. |
Hiện nay, Thái Nguyên đã có 3 thành phố triển khai IOC và kết nối trực tiếp với hệ thống IOC tỉnh là: Thái Nguyên, Phổ Yên và Sông Công. IOC của 3 thành phố đã tích hợp tương đối hoàn thiện chức năng cần có, trực tiếp thực hiện các chức năng như: Giám sát điều hành an ninh; giám sát điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí và truyền thông; bảo mật an toàn thông tin; giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; dịch vụ hành chính công; báo cáo thông tin kinh tế - xã hội; tích hợp dữ liệu ngành Giáo dục và Y tế.
Ông Nghiêm Văn Hà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Sông Công, cho biết: Đến nay, IOC Sông Công đã đóng góp tích cực cho việc kết nối trực tuyến chính quyền - nhân dân; phân tích, giám sát các dữ liệu về kinh tế - xã hội. Qua đó cung cấp những thông tin quan trọng, đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của thành phố.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trong thời gian tới, để hoàn thiện IOC, tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành quy trình phối hợp các hệ thống, nhất là hệ thống giám sát thông tin mạng, giám sát an ninh, kết nối và khai thác dữ liệu, ứng cứu khẩn cấp, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số, từng bước xây dựng thành công đô thị thông minh.
Ý kiến bạn đọc