Phát huy giá trị từ dữ liệu số

Chủ nhật - 02/07/2023 23:02 0
Dữ liệu kinh tế số được coi là “mỏ vàng”, nguồn tài nguyên số vô tận. Giá trị sẽ được nhân lên khi Chính phủ, người dân và doanh nghiệp có thể khai thác, thụ hưởng nguồn tài nguyên này. Vì vậy, cần sớm có chiến lược xây dựng, phát triển dữ liệu số để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội…
Phát huy giá trị từ dữ liệu số
20230614-m08.jpg

Chuyên viên CNTT của Sở TT&TT Quảng Ninh quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, dữ liệu trọng yếu đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, dữ liệu và việc chia sẻ dữ liệu đem lại nhiều lợi ích cho các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Việc phát triển dữ liệu số qua hệ thống camera an ninh trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là ví dụ. Trong 2 năm qua, mỗi năm tỉnh đã ghi nhận khoảng 2 triệu lượt vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử phạt nguội; truy vết tội phạm và được ứng dụng rất lớn ở các lĩnh vực khác. Một số bộ, ngành đã cho phép doanh nghiệp kết nối dữ liệu để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó có thể kể đến việc Tổng cục Thuế cho phép các nhà cung cấp hóa đơn điện tử kết nối để cung cấp dịch vụ kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhu cầu kết nối chưa được giải quyết. Chẳng hạn, nếu có cơ sở dữ liệu tài chính, ngân hàng truy cập và dễ dàng đánh giá được các thông tin liên quan đến khách hàng (lịch sử vay, tiềm lực…), từ đó, đánh giá được đối tượng để duyệt cho vay nhanh hơn, hạn mức phù hợp hơn; người đi vay cũng giảm bớt thủ tục hành chính. Hoặc ở lĩnh vực bảo hiểm, nếu có một cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông, doanh nghiệp bảo hiểm được phép tiếp cận để kiểm tra về lịch sử của phương tiện, chủ phương tiện, từ đó đưa ra mức phí bảo hiểm phù hợp…

Tất nhiên để khai thác được dữ liệu, các tổ chức, doanh nghiệp phải hoàn thiện nhiều công đoạn và có năng lực công nghệ. Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, khi chia sẻ dữ liệu với người dân cần phải có sự tương tác với người dân và phải có công cụ (nền tảng công dân số) giúp người dân tương tác lại được với cơ quan chức năng. Cùng với đó, việc xây dựng chiến lược phát triển dữ liệu cần phải thực hiện theo 5 vấn đề: Xây dựng nguồn dữ liệu; lưu trữ chuẩn hóa; vận hành chia sẻ; kết nối thu thập; tạo ra giá trị.

Đề xuất kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia giữa Nhà nước và doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Misa Lê Hồng Quang cho rằng, Chính phủ, bộ, ban, ngành cho phép doanh nghiệp công nghệ được kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí do cơ quan quản lý công bố. Đồng thời cho phép doanh nghiệp, người dân đóng góp và khai thác dữ liệu để thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống FPT (thuộc Tập đoàn FPT) Nguyễn Hoàng Minh đề xuất mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng và khai thác dữ liệu số. Theo đó, FPT đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do Chính phủ và doanh nghiệp cung cấp; thành lập cơ quan chuyên trách quốc gia về hợp tác công - tư cho ngành công nghệ thông tin; thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành và các tổ chức để chung tay xây dựng hành lang pháp lý; hạ tầng dữ liệu tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho kinh tế - xã hội.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) hợp tác khai thác dữ liệu cần có sự phối hợp tổng thể theo hướng chuyên ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước phải được coi là nhiệm vụ, việc làm thường xuyên và phải có trách nhiệm cung cấp dữ liệu. Trong năm 2023 có 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng cổng dữ liệu mở; Cổng dữ liệu quốc gia Data.gov.vn bảo đảm đạt hơn 10.000 tập dữ liệu…
                                                                                                                                                        Nguồn tin: https://mic.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây