Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. |
Theo đánh giá xếp hạng, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố (sau Quảng Ninh) về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Chỉ số SIPAS) năm 2022, với 86,26% - tăng 9 bậc so với năm 2021.
Chỉ số SIPAS có 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính Nhà nước; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. |
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước qua khảo sát ý kiến của trên 36.000 người dân tại 63 tỉnh, thành phố.
Đây cũng là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng. Trong đó tập trung trên 2 khía cạnh: Việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung.
8 nhóm chính sách được lựa chọn gồm: Phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt và chính sách an sinh xã hội.
Bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2022 của 63 tỉnh, thành phố. |
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số SIPAS năm 2022 với 87,59%; thấp nhất là tỉnh Bình Thuận với 72,54%.
Kết quả xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách, cải cách hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đồng thời cũng thể hiện mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc