Việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông sản Thái Nguyên khẳng định chỗ đứng trên thị trường, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn của tỉnh Thái Nguyên. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp được Sở NN&PTNT triển khai thực hiện đa dạng về hình thức và nội dung; tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để các nội dung tuyên truyền có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần quảng bá kịp thời về những giá trị chuyển đổi số mang lại trong lĩnh vực NN&PTNT, từng bước thay đổi nhận thức, hành động của người dân, đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Năm 2022, Sở NN&PTNT đã tổ chức trên 60 lớp tuyên truyền, tập huấn gắn với nhiệm vụ ngành với khoảng 3.500 lượt người tham dự với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tiêu biểu như: Hội nghị triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Thái Nguyên, với sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính và các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; Hội thảo về chuyển đổi số trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP; Hội thảo về giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong trồng, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm chè. Các hội nghị, hội thảo tập huấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các đơn vị cũng được thường xuyên tổ chức nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, thương mại sản phẩm nông nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, ngành Nông nghiệp cũng chú trọng hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Năm 2022, Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ nông dân. Theo đó, đã có trên 90.000 hộ đã được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; gần 90.000 hộ mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử và được cung cấp tài khoản thanh toán số; khoảng 2.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel; trên 95% các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số và mạng xã hội.
Việc hỗ trợ được thực hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể như: Hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản sản phẩm trên mạng xã hội cho các hộ nông dân, các HTX với trên 2.500 chủ thể sản xuất nông nghiệp được hướng dẫn; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, website quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, hợp tác xã, 129 sản phẩm OCOP của tỉnh trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, VnPost, Voso, Sendo; hỗ trợ trên 662.000 tem truy xuất nguồn gốc QR cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu lý lịch sản phẩm, góp phần tạo niềm tin đối với nông sản của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) - một trong những đơn vị tích cực tham gia sàn thương mại điện tử cho biết: Sau khi được tham gia các khóa tập huấn, những thành viên của HTX giờ đã rất tự tin trong việc giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm trở nên dễ dàng hơn. HTX Tâm Trà Thái còn là 1 trong 3 đơn vị của tỉnh tham gia chương trình gắn mã vùng trồng, cài phần mềm kết nối với nhiều quốc gia trên thế giới để theo dõi truy xuất nguồn gốc đến tận vườn trồng.
Còn bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương hào hứng “khoe” hệ thống tưới tự động của HTX mình: Với hệ thống tưới được lập trình cụ thể, chính xác về thời gian, lượng nước… đã giúp HTX tiết kiệm chi phí công lao động, tiết kiệm nước đồng thời mang lại hiệu quả cao trên một diện tích lớn.
Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số, ngành Nông nghiệp cũng chú trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ số. Năm 2022, ngành Nông nghiệp đã triển khai xây dựng phần mềm Quản lý chất lượng nông sản để quản lý quá trình sản xuất, chế biến; truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản đối với sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Phần mềm tập trung vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản như thông tin của đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến; các thông tin về quá trình thu hoạch, vận chuyển, đóng gói và dán nhãn sản phẩm… Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước nắm được các thông tin để quản lý về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.
Với quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, năm 2023 sẽ có nhiều ứng dụng số được ngành NN&PTNT đưa vào triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên trên thị trường.
Ý kiến bạn đọc