Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên là trường tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi số thư viện. Không khoảng cách - không không gian, chỉ cần có internet, sinh viên hoàn toàn có thể tra cứu, cập nhật thông tin phục vụ nhiều chuyên ngành khác nhau với 270.000 cuốn, hơn 13.000 đầu sách.
TS. Từ Quang Tân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Ngoài hệ thống học liệu của nhà trường, chúng tôi đã số hóa được cơ bản khoảng 60-70%, chúng tôi còn liên kết với Trung tâm số của Đại học Thái Nguyên để kết nối giúp người học có nhiều nguồn tài liệu tốt, được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến của các trường Đại học trong và ngoài nước”.
TS. Trần Ngọc Hà, Trưởng phòng CNTT & Thư viện Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên thông tin thêm: “Mỗi sinh viên được cấp 1 tài khoản để truy cập ở bất kỳ đâu có mạng internet. Ngoài ra nhà trường có hệ thống LMS triển khai hệ thống bài giảng, có bố trí phòng sản xuất học liệu trong Trung tâm thông tin - thư viện để thầy cô quay lại bài giảng để sinh viên có thể xem lại…”.
Thư viện số là nơi lý tưởng để học tập, nghiên cứu của sinh viên |
Tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện, nguồn sách phong phú, người đọc không những có thể tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về các sách, tư liệu. Đây là một trong số những tiện ích của thư viện số giúp các bạn sinh viên dần thay đổi về tư duy, tiếp cận gần hơn với văn hóa đọc.
TS. Dương Ngọc Toàn, Bí thư Đoàn thanh niên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Các bạn được tiếp cận với thư viện số, có nhiều tri thức mới. Bên cạnh đó hàng năm Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức các cuộc thi Ngày hội đọc sách, triển lãm sách… đã lan tỏa phong trào đọc sách trong thanh niên”.
Sinh viên Đặng Hồng Ánh, Khoa Lịch sử K55, Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: “Thư viện số là nơi lý tưởng để học tập, nghiên cứu. Em thích nhất ở Thư viện số là sự tiện lợi và nhanh chóng khi tìm tài liệu”.
Sinh viên Lịch Văn Tùng, Khoa Địa lý K54, Đại học Sư phạm Thái Nguyên thì cho rằng: “Lượng kiến thức, lượng thông tin trong Thư viện số rất nhiều, mình phải xác định rõ thông tin, rõ tài liệu mình cần trước khi mình đến với thư viện thì sẽ cho hiệu quả tốt nhất”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với hệ thống thư viện của Việt Nam nói chung và hệ thống thư viện các trường đại học Thái Nguyên nói riêng. Xây dựng các thư viện số không chỉ là đáp ứng xu thế chung của thời đại mà còn là yêu cầu tự thân của hoạt động ngành thư viện, nhằm đưa thiết chế văn hóa này phát triển bền vững, luôn bảo đảm chức năng là nguồn cung cấp tri thức căn bản, phục vụ nhu cầu nhiều đối tượng bạn đọc đương đại, và lưu giữ tài liệu cho các thế hệ mai sau.
Ý kiến bạn đọc