Sẵn sàng vươn tới mục tiêu xây dựng Kho bạc số

Chủ nhật - 13/02/2022 19:56 0
Trong xu thế chung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ đề ra, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và ban hành Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới Kho bạc số.
3
3

 Chủ động chuyển đổi số

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là “Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu…”.
20220114-pg1.jpg

Công chức Kho bạc Nhà nước Cà Mau đang kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách.

Theo đó, các bộ, ngành phải kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới.

Cùng thực hiện nhiệm vụ chung này và định hướng thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021-2030, KBNN đã xây dựng và ban hành Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021, gồm: Kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin.

Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ gồm 5 nghiệp vụ chính là: quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước; huy động vốn và quản lý ngân quỹ; thanh tra; nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ. Đây chính là cơ sở để KBNN triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 10 năm tới.

Kiến trúc tổng thể CNTT được KBNN xây dựng phù hợp với Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số; có sự kết nối và chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan. Kiến trúc tổng thể CNTT của KBNN đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng và phát triển các hệ thống CNTT phục vụ điều hành và hoạt động nghiệp vụ tại KBNN, giúp nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ.

Song song với việc xây dựng Kiến trúc tổng thể CNTT, KBNN cũng đưa ra kế hoạch và mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, KBNN tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; củng cố hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN.

Đồng thời, từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu; chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT; chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Giai đoạn 2026-2030, KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ. Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin. Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật...

Tập trung đẩy mạnh việc liên thông dữ liệu điện tử

Theo ông Trần Quân - Tổng Giám đốc KBNN, để tạo nền tảng vững chắc cho Kho bạc số, KBNN đã đưa ra những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo đó, trước mắt trong năm 2022, hệ thống KBNN cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết.

Đồng thời, các đơn vị trong toàn hệ thống KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, xây dựng và triển khai cổng dữ liệu đáp ứng quy trình thanh toán lương, thanh toán tự động điện, nước, viễn thông qua dịch vụ công trực tuyến; gia tăng các tiện ích cho người sử dụng. Công tác khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị KBNN trong hệ thống cần được tiếp tục triển khai, đi vào thực chất hơn.

Bên cạnh đó, KBNN phải tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án, nhiệm vụ hiện đại hóa CNTT trong hệ thống KBNN.

Cụ thể: Triển khai ứng dụng CNTT tuân thủ kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN; xây dựng và trình Bộ Tài chính đề án nâng cấp Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và các hệ thống CNTT liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS). Đồng thời, nâng cấp và bổ sung tiện ích dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành triển khai Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN; hoàn thành triển khai nâng cấp chương trình thanh toán điện tử với ngân hàng; xây dựng dịch vụ lưu trữ chứng từ và hồ sơ chi điện tử…

Cũng theo Tổng Giám đốc KBNN, trong quá trình xây dựng kho bạc điện tử, hệ thống KBNN đã triển khai vận hành nhiều hệ thống CNTT lớn như: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Tabmis, thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu ngân sách với ngân hàng; kho dữ liệu.

Cùng với đó là ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động; tổng kế toán nhà nước để tổng hợp và kết xuất báo cáo tài chính nhà nước; hệ thống quản lý ngân quỹ nhà nước và quản lý trái phiếu chính phủ phát hành theo lô lớn; các hệ thống giúp hiện đại hóa hoạt động nội ngành.

Trên nền tảng đó, nhiệm vụ trọng tâm của KBNN trong giai đoạn tới là hoàn thiện các ứng dụng đã có nhằm củng cố hoàn thiện Kho bạc điện tử, đồng thời xây dựng các bài toán hướng tới hình thành Kho bạc số.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Tổng Giám đốc KBNN lưu ý toàn hệ thống cần tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết, liên thông dữ liệu điện tử với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở, đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Tiếp theo, giai đoạn 2026-2030, KBNN tập trung thực hiện liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới. Đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng tới hình thành Kho bạc số đầy đủ.

Cũng theo Tổng Giám đốc Trần Quân, với những nền móng đã đạt được, trong giai đoạn 2021-2030, có thể khẳng định hệ thống KBNN đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu xây dựng Kho bạc số.

Cả hệ thống vào cuộc, góp phần xây dựng Chính phủ số

Tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Nguyên, Phó Giám đốc Hà Quốc Thái cho biết, đơn vị đã thực hiện các bước cải cách và hiện đại hóa theo đúng quy định của KBNN. Đặc biệt, để tiến tới Kho bạc số và thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, KBNN Thái Nguyên đã có văn bản gửi đến các đơn vị sử dụng ngân sách thông báo về việc dừng toàn bộ các giao dịch bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở kho bạc từ ngày 1/6/2021.

Tại KBNN Nam Định, Giám đốc đơn vị - ông Vũ Duy Minh cũng cho biết, hoàn thiện các chức năng của Kho bạc điện tử và tiến tới Kho bạc số, đơn vị đã không ngừng rà soát, cải cách hành chính, bỏ bớt các thủ tục rườm rà, tránh gây phiền hà, sách nhiễu khách hàng. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, KBNN Nam Định đã rà soát, thay thế 10 thủ tục hành chính và bãi bỏ 3 thủ tục hành chính cũ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho các đơn vị đến giao dịch.

Theo:Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây