Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyênhttp://ict.thainguyen.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 29/03/2022 04:140
Hai năm qua, nền kinh tế đã phải gánh chịu các tác động nặng nề do dịch bệnh cũng như từ bất ổn địa chính trị của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều sự thay đổi, chuyển dịch mạnh mẽ ở cả thói quen tiêu dùng lẫn nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giờ đây, thương mại điện tử đã trở thành "cánh tay trợ lực" quan trọng, giúp các doanh nghiệp vận hành, triển khai các hoạt động kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng hơn nhiều trên hành trình phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi của hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu quản lý. Các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh lên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới. Trong đó, đẩy mạnh thương mại điện tử là một trong các giải pháp phổ biến được doanh nghiệp lựa chọn, đồng thời cũng là xu thế bắt buộc giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Kết quả điều tra của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mastercard và Trường Kinh doanh Havard tại 47 quốc gia, trải dài từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu trước dịch COVID-19 chỉ là 10,3% nhưng đến nay đã tăng lên 12,2%. Dịch bệnh dù ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung, nhưng riêng thương mại điện tử vẫn là bức tranh rất lạc quan. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA - Bộ Công Thương), tốc độ phát triển của thương mại điện tử vẫn giữ vững ở mức khoảng 17%/năm trong hai năm vừa qua. Riêng trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%) với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD. Có thể thấy, thương mại điện tử đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Trước hết, đó là sự mở rộng về đối tượng khách hàng. Theo nghiên cứu của Facebook, hơn 81% người tiêu dùng đã có sự thay đổi về thói quen mua sắm khi đại dịch bùng phát, chuyển sang ưu tiên mua sắm trực tuyến; 92% trong số này khẳng định sẽ duy trì thói quen đó. Mặt khác, ở những khu vực phi thành thị trước đây vốn ít được tiếp xúc với các hình thức thương mại hiện đại thì nay cũng dần hình thành thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến. Báo cáo của các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam cho thấy, lượng người bán hàng trực tuyến tại các khu vực phi thành thị thời gian qua đã tăng khoảng 40%. Cơ hội cho doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đa dạng các mặt hàng kinh doanh trực tuyến. Trước đây, sản phẩm bán trên mạng chủ yếu là mỹ phẩm, thời trang. Ðến nay, nhiều mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống hay đồ ăn nhanh cũng rất được ưu chuộng. Các doanh nghiệp hiện đang thích ứng rất nhanh với việc chuyển đổi giữa mô hình kinh doanh trực tiếp và trực tuyến. Ðại dịch COVID-19 đã trở thành cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của mình, nhất là trong bối cảnh hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada,… đều có những chính sách hỗ trợ người bán thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kinh doanh trực tuyến hiệu quả. Quan trọng hơn là hiện hạ tầng pháp lý liên quan đến thương mại điện tử như thuế, hải quan, bảo vệ người tiêu dùng,… đã cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, là cơ sở nền tảng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.