Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp |
Lý giải về sự cần thiết sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 thì Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030…
Bên cạnh đó, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn vận động của đời sống kinh tế - xã hội, thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của kinh tế số và logistics cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô; thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thiếu các chỉ tiêu phản ánh phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia… Một số chỉ tiêu thống kê trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng cần được sửa đổi tên hoặc loại bỏ để phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung là thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13; các nội dung khác quy định tại Luật Thống kê vẫn giữ nguyên. Nội dung dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê gồm 20 nhóm với 215 chỉ tiêu.
Cụ thể, so với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung sẽ sửa tên của 2 nhóm chỉ tiêu; giữ nguyên 134 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; sửa tên 41 chỉ tiêu để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành, đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế; bổ sung 40 chỉ tiêu để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây (như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030); bãi bỏ 11 chỉ tiêu do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu khác.
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ vì đã được Quốc hội biểu quyết thông qua khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Căn cứ Điều 18 của Luật Thống kê, Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được rà soát, cập nhật, điều chỉnh để kịp thời phản ánh, đánh giá việc thực hiện mục tiêu, đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, quy định của pháp luật mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu thống kê cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương trong việc tham mưu, hoạch định chính sách, điều hành đất nước.
Báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức cũng cho thấy, đa số ý kiến nhất trí chỉ xem xét, sửa đổi, bổ sung Danh mục để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu; dự thảo Danh mục đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm 20 nhóm với 215 chỉ tiêu, tổng số chỉ tiêu có thay đổi chiếm tỷ lệ 37,6%. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động của chính sách bổ sung hay sửa đổi các chỉ tiêu thống kê quốc gia còn mang tính định tính, thiếu các đánh giá, phân tích định lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại Chính phủ, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế làm rõ các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra nêu. Nếu công tác chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.
Trường hợp không bảo đảm chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho phép rút dự án Luật này khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để nghiên cứu thêm và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc