Chuyển đổi số hiệu quả cần rút kinh nghiệm trong cách làm, cập nhật hiện trạng

Thứ tư - 13/10/2021 23:34 0
Tự hào là địa phương có thế mạnh, tiềm năng trong việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ cây chè, giờ đây, để Thái Nguyên tiếp tục tạo ra nhiều thành tựu cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) phát triển nói riêng, tỉnh cần chú trọng, ưu tiên cho các vấn đề cốt lõi nào? Và đâu là nhân tố quan trọng, hướng thay đổi trong tương lai?...
Chuyển đổi số hiệu quả cần rút kinh nghiệm trong cách làm, cập nhật hiện trạng
Chuyển đổi số hiệu quả cần rút kinh nghiệm trong cách làm, cập nhật hiện trạng
Tháng 1/2021, Thủ tướng đã ký Quyết định số 70/QĐ-TTg thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên toàn khu là 154,36ha. (Ảnh: TTXVN)

Để trả lời, giải quyết triệt để hiệu quả các câu hỏi trên, đáp án duy nhất, đúng nhất giờ đây chính là địa phương phải tích cực, nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm hơn trong việc đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, toàn diện, thực chất.

Đồng thời, cũng để giúp Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này, tại Chương trình "Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về CĐS" do Bộ TT&TT ưu tiên thí điểm tổ chức cho Thái Nguyên, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực công nghệ, CĐS đã truyền tải các kiến thức mới nhất cùng các quan điểm, kinh nghiệm, giải pháp… Tất cả hướng đến đạt mục tiêu sớm đưa vùng đất chè tiến nhanh, thuận lợi, sớm thành công trong tiến trình CĐS và phát triển đa dạng, bền vững, toàn diện.

CĐS nông nghiệp cần phù hợp với thế mạnh của địa phương

Khái niệm phổ biến, dễ hiểu khi nói về CĐS nông nghiệp chính là việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh nông trại, vận chuyển, chế biến, maketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối Internet vạn vật; đảm bảo cho chuỗi thực phẩm nông sản (agrofood) diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững; tạo ra giá trị nông sản chất lượng cao, giá thấp, dễ dàng truy xuất, kiểm tra nguồn gốc sản, cân bằng cung và cầu…

Cũng trên căn cứ các quan điểm khái quát nêu trên, hiện nay, mặc dù Thái Nguyên đang rất chú trọng triển khai nhiệm vụ này, tuy nhiên, để tạo ra những thành tựu nổi bật, sự đột phá, điều cần ưu tiên lúc này nên tập trung hơn nữa trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đặc biệt cần lựa chọn, ưu tiên trọng tâm vào các lĩnh vực nông nghiệp đặc thù, phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Chuyển đổi số hiệu quả cần rút kinh nghiệm trong cách làm, cập nhật hiện trạng - Ảnh 1.

CĐS cần thực hiện trên nguyên tắc việc gì dễ, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao thì làm trước và việc nào có tác động lan tỏa cần được ưu tiên, chú trọng.

Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng, hình thành mô hình tổ công tác CĐS chuyên biệt về nông nghiệp, hoạt động hướng đến mục tiêu: Đào tạo, cung cấp nâng cao kiến thức, nhận thức về CĐS, kinh tế số nông nghiệp đến từng hộ dân; thực hiện việc phát triển nguồn lực CĐS nông nghiệp trên toàn tỉnh; phát triển thương mại điện tử (TMĐT) để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp - nông sản đặc biệt của Thái Nguyên…

Cụ thể, tổ công tác bao gồm các thành viên cốt lõi là: Lãnh đạo ngành nông nghiệp; đại diện các sở, ban, ngành, DN; người có ảnh hưởng ở cấp huyện, xã, thôn, xóm.

Tổ công tác có chức năng, trách nhiệm thường xuyên triển khai các hoạt động: Mở lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức CĐS nông nghiệp (giúp xây dựng phương pháp luận, chiến lược, kế hoạch, sử dụng các sản phẩm, thành tựu của CĐS…); triển khai thí điểm các mô hình (giúp tạo ra các mô hình mới được đúc kết, đánh giá qua kiểm chứng, kiểm nghiệm thực tế); tăng cường công tác truyền thông (xây dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương và thu hút đầu tư và giúp nâng cao nhận thức, phổ biến chủ trương sâu, rộng).

Theo các chuyên gia, "Việc phổ biến kiến thức sẽ quyết định đến hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ CĐS lĩnh vực nông nghiệp và khi người nông dân hiểu, có kiến thức CĐS, mọi hành vi, hành động sản xuất dần quy chuẩn, đồng bộ, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số bền vững.

CĐS cần theo hướng các tiêu chí, điều kiện mở

Trên quan điểm nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản, hữu ích giúp các DN Thái Nguyên CĐS hiệu quả, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện KHCN VINASA cho rằng khi DN CĐS sẽ giúp hình thành nên DN số, điều này tạo, hình thành nên các nhà máy số thông minh, trang trại thông minh và mọi dịch vụ, sản phẩm của DN sẽ được tích hợp trên nền tảng công nghệ số, được kết nối trên môi trường Internet để trở thành sản phẩm, dịch vụ thông minh.

Nếu DN không chủ động tạo ra mô hình sản xuất thông minh, sẽ khó tìm được con đường đúng đắn để phát triển. Để tạo được các mô hình thông minh, DN phải tạo được các hệ thực số, nghĩa là phải mạnh việc sử dụng công nghệ tích hợp hữu cơ với các tổ chức xã hội (DN, cơ quan, cộng đồng dân cư…) và các tài nguyên tài sản vật lý (nhà cửa, phương tiện, đường xá…) để tạo thành một thực thể thống nhất, thông minh, hiệu quả.

Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Quang, chúng ta đang sống trong thời đại số, điều này đang tạo ra các cơ hội thuận lợi hình thành các hệ thống thực thể số thông minh, trong đó CNTT giờ đây không chỉ đơn thuần là công cụ để vận hành mà là một phần hữu cơ quan trọng thúc đẩy cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

CĐS hiệu quả cần rút kinh nghiệm trong cách làm, câp nhật hiện trạng - Ảnh 2.

Không có hình mẫu nào để sao chép, không có tư vấn nào có thể thay thế CĐS cho DN và các cấp lãnh đạo.

Đưa ra giải pháp để chuyển DN từ truyền thống sang DN số, TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh đến 04 bước cần: Xác định đích đến và đánh giá hiện trạng (chủ động, sẵn sàng với CĐS và khoảng cách từ hiện trạng tới đích đến là điểm chính của đánh giá hiện trạng); xây dựng đề án CĐS (xác định việc cần làm và xây dựng lộ trình CĐS); triển khai CĐS (theo lộ trình đã định với quản trị thực thi); đánh giá hiệu quả (cần rút kinh nghiệm trong cách làm, cập nhật hiện trạng).

Đặc biệt, trong 04 bước, việc xây dựng đề án CĐS là rất quan trọng, được xem là nhân tố cốt lõi, do đó cần tập trung đến 05 vấn để cùng một lúc và phải đồng bộ: Con người (nhận thức, năng lực số, văn hóa đổi mới sáng tạo); định chế (hành lang pháp lý, quy chế nội bộ); công nghệ (kiến thức công nghệ, chiến lược dữ liệu, nền tảng kết nối, quy chuẩn kỹ thuật); lộ trình (hiện trạng so với điểm đến, chỉ tiêu cần đạt…); quản trị thực thi (tổ chức, phân công, đánh giá, thưởng phạt).

Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Quang, DN vốn là một hệ thống có tương tác giữa bên trong và bên ngoài, do đó, DN muốn CĐS hiệu quả cần đảm bảo thực hiện CĐS qua 03 cấp độ: Ứng dụng máy tính giúp tăng năng suất lao động (phần mềm công cụ cá nhân, máy tính cá nhân nối mạng, số hóa tài liệu); tin học hóa giúp tự động hóa các quy trình quản lý (các phần mềm quản lý, tự động hóa quy trình và được số hóa trên môi trường mạng); CĐS giúp vận hành tối ưu và quyết định dựa trên dữ liệu (sản phẩm thông minh, dịch vụ số, mô hình kinh doanh mới, phân tích kinh doanh, dữ liệu lớn, AI, chuỗi khối…).

Trả lời câu hỏi tại sao DN phải CĐS, TS. Nguyễn Nhật Quang cho rằng, vì xu hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, "tương lai sẽ  không nằm trên đường kéo dài của quá khứ" và mọi thứ đang chuyển sang môi trường số, môi trường kinh doanh mới khiến hành vi, nhu cầu khách hàng thay đổi; áp lực cạnh tranh các loại hình DN đang bùng nổ… "Do đó, chỉ có công nghệ số, cơ hội số mới tạo sức mạnh cơ hội cho DN bứt phá, xóa bỏ rào cản địa lý, tiếp cận thị trường toàn cầu với chi phí thấp; các công nghệ số tiên tiến (AI, Iot/IoE, chuỗi khối, đám mây, di động…) đang trở nên phổ thông, mang lại các cơ hội kinh doanh vượt bậc cho cộng đồng DN", TS. Nguyễn Nhật Quang phân tích.

DN muốn CĐS thành công thì bắt buộc: Mọi thành viên, bộ phận trong DN phải cùng tham gia và tất cả các quy trình, hoạt động cần được chuyển đổi, đồng bộ với môi trường bên ngoài DN (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), đồng thời, phải tuân thủ các quy chế, quy chuẩn cụ thế, nhất quán.

"Đặc biệt mỗi DN phải tự tìm ra cách đi phù hợp nhất của mình, không có hình mẫu nào để sao chép, không có tư vấn nào có thể CĐS thay cho DN và các cấp lãnh đạo cao nhất trong DN phải chủ động CĐS mới có thể thành công", TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh.

Muốn làm được điều này, DN cũng cần phải chuyển đổi từng bước, không phải đập đi làm lại. Nếu là DN startup hay mới thành lập hãy thiết kế DN số ngay từ đầu. Nếu là DN đang vận hành, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp. "Việc gì dễ, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao thì làm trước và việc nào có tác động lan tỏa cần được ưu tiên, chú trọng", TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh.

Đưa ra luận điểm, khi DN có kết nối dữ liệu sẽ tạo ra các giá trị: Tăng cường các sản phẩm, dịch vụ thông minh; tối ưu, tự động hóa các quy trình vận hành thông minh; quản trị thông minh.

Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Quang, nhân tố, điều kiện quan trọng cần ưu tiên cho DN nhỏ và vừa CĐS hiệu quả thì các cấp chính quyền cần: Nâng cao nhận thức, tư duy CĐS cho các DN; cần có các nền tảng số hỗ trợ việc đào tạo CĐS DN; tạo cơ chế đảm bảo, bảo vệ việc xác thực thể chế trên môi trường số, điện tử; thúc đẩy các nền tảng công nghệ số dùng chung; tăng cường, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách giúp đỡ DN…

"Điều kiện cần để các DN, hợp tác xã CĐS hiệu quả không phải cần những điều kiện to tát, hãy bắt đầu với việc có trang bị máy tính, con người biết sử dụng máy tính và đảm bảo có kết nối Internet… đây là các điều kiện theo hướng các tiêu chí mở", TS. Nguyễn  Nhật Quang nhấn mạnh./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây