Các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đang trụ vững và phục hồi nhanh trước khủng hoảng của đại dịch COVID-19 |
Ngân sách là hữu hạn, không thể quá trông chờ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề.
Chính phủ có nhiều chính sách linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho DN trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất cho DN, chuỗi cung ứng hàng hóa cho nền kinh tế. Chính phủ cũng đang trình dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách, hỗ trợ DN, người dân trước tác động của COVID-19 với các giải pháp tài khóa hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nếu kéo dài phong tỏa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, DN sẽ “thấm mệt”, kéo theo khó khăn trong bảo đảm sinh kế của người lao động.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, con đường chống dịch còn lâu dài nên các DN không nên quá trông chờ vào các giải pháp hỗ trợ; đã đến lúc chính các DN phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu DN, tìm cách thức quản trị mới để chung sống an toàn với dịch.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều DN đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những “làn sóng” lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều DN ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
“Thực tế cho thấy, những DN tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin về việc đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều là những DN đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các DN khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
“Vaccine công nghệ” giúp DN ứng phó với COVID-19
Dưới góc độ DN, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, chia sẻ, chúng ta xác định vaccine là vũ khí chống dịch thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng cần vaccine.
Theo đó, có DN học tự nhiên, đó là "ngủ đông" để tích cực chuẩn bị cho tương lai, sẵn sàng khi "tỉnh giấc" sẽ phát triển trở lại. Tuy nhiên, theo ông Tiến, không phải DN nào cũng có thể "ngủ đông" vì còn liên quan đến khách hàng. Hơn nữa, DN cần giải nhiều bài toán: DN hoạt động cần gì? Giao việc cho nhân viên làm việc tại nhà như thế nào? Kiểm soát công việc ra sao?
Ông Hoàng Nam Tiến cho biết, các công ty viễn thông, công nghệ hiện nay đã và đang triển khai các ‘vaccine’ công nghệ dành cho các DN nhỏ và vừa, chẳng hạn giải pháp eCovax của FPT nhằm xây dựng môi trường làm việc số với 3 tiêu chí: Không chạm (hạn chế tối đa tương tác trực tiếp bao gồm cả tương tác trong nội bộ và với các đối tác, khách hàng), không gián đoạn (bảo đảm hiệu suất làm việc không bị suy giảm, các luồng vận hành vẫn trôi chảy như cũ hoặc tốt hơn), không bị động (làm chủ tình thế, sẵn sàng đối mặt ứng biến linh hoạt với các thay đổi của bối cảnh/ thị trường).
Còn ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, trong bối cảnh khó khăn, sức ép rất lớn của doanh nghiệp là buộc phải triển khai chuyển đổi số dù muốn hay không. Như trước kia, có các chuyên gia kiểm hàng tới May 10 để kiểm tra chất lượng từng sản phẩm một, thì hiện nay, toàn bộ công việc đó phải thực hiện online 100%. Người kiểm soát chất lượng tại May 10 ghi hình rồi gửi toàn bộ quá trình cho khách hàng. May 10 đang nỗ lực vượt khó để đạt kim ngạch khoảng 150 triệu USD đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2021 ước đạt 40 tỷ USD.
Chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi số
Dưới góc độ vĩ mô, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phân tích, bên cạnh những thách thức do tác động của đại dịch COVID-19, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm những hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Điểm đáng ghi nhận là Chính phủ đã sớm quan tâm đến thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, coi đây một trong những giải pháp để chúng ta sẵn sàng “sống chung với dịch”, thực hiện mục tiêu kép.
Ông Trịnh Minh Anh nêu một số khuyến nghị đối với DN để nhanh chóng thích ứng với bối cảnh dịch kéo dài. Trước tiên, các DN cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh với quy trình phù hợp trong bối cảnh mới. DN cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng, hiệu quả đi đôi với an toàn.
Bên cạnh việc nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, DN cần chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Đánh giá cao triển vọng chuyển đổi số của Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), cho rằng, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng điểm sáng là hạ tầng kinh tế số của chúng ta phát triển khá nhanh, đạt được trình độ tương đương với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông cũng đang phát triển rất mạnh mẽ và cũng thuộc nhóm thu hút được đầu tư. Đây chính là nền tảng của ngành kinh tế số.
“Điều đáng mừng là các cơ quan từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương, trong đó có các đơn vị làm công nghệ khá mạnh như ngành ngân hàng, tài chính (thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm…) đang là những cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu, tích cực chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số được cộng đồng DN đánh giá cao”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, “Vấn đề bây giờ là thay đổi nhận thức để mỗi người dân, mỗi DN tìm cách bước vào nền kinh tế số một cách thiết thực nhất và hiệu quả nhất. Nhìn vào bức tranh kinh tế và thực tế sự chuyển đổi của cộng đồng DN hiện nay, có thể tin tưởng những mục tiêu nói trên là khả thi”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu ngày 2/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chia sẻ quan điểm các nền kinh tế cần tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch COVID-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu về tận dụng cơ hội phòng, chống dịch COVID-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số, đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
|
Ý kiến bạn đọc