Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 01 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 87 ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Theo hướng dẫn tại Thông tư 01, việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDL hộ tịch điện tử với CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về bảo hiểm, các CSDL khác; Cổng dịch vụ công quốc gia; Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, các hệ thống thông tin điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính để giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc phương thức kết nối khác trên cơ sở thống nhất bằng văn bản giữa Bộ Tư pháp với cơ quan quản lý CSDL, hệ thống thông tin điện tử.
CSDL hộ tịch điện tử kết nối, chia sẻ, cung cấp các thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định 87 năm 2020 cho CSDL quốc gia về dân cư ngay tại thời điểm cơ quan đăng ký hộ tịch đăng ký vào Sổ hộ tịch và lưu chính thức vào CSDL hộ tịch điện tử. Trường hợp vì lý do kỹ thuật mà không kết nối, chia sẻ được tại thời điểm đăng ký thì các cơ quan quản lý CSDL có trách nhiệm phối hợp, xử lý trong thời hạn 5 ngày làm việc. Thời điểm thiết lập thông tin được tính từ thời điểm đăng ký vào Sổ hộ tịch.
Thông tin hộ tịch của cá nhân được điều chỉnh, bổ sung trong CSDL hộ tịch điện tử được cập nhật, chia sẻ ngay với CSDL quốc gia về dân cư qua chức năng tiện ích cung cấp trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung; là cơ sở để cập nhật cho các CSDL khác khi có kết nối, chia sẻ để đảm bảo thông tin được thống nhất, đồng bộ, chính sách.
Khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch do người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, cơ quan, tổ chức có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ đó qua mã QR (Ảnh minh họa: Internet)
Đối với việc nộp, tiếp nhận yêu cầu đăng ký hộ tịch điện tử, tại Thông tư 01, Bộ Tư pháp hướng dẫn rõ, bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng; đã được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm theo hồ sơ đăng ký hộ tịch điện tử đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng các bản điện tử này. Trường hợp người yêu cầu đã cung cấp số định danh cá nhân thì không phải gửi kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy chứng minh nơi cư trú trong hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến. Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ CSDL hộ tịch điện tử, CSDL quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân do người yêu cầu cung cấp.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đã ban hành kèm theo Thông tư 01 nội dung bản điện tử giấy tờ hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; giấy báo tử và nội dung các biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác tích hợp, phục vụ đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Mã QR trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong CSDL hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của giấy tờ hộ tịch trong CSDL hộ tịch điện tử. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch do người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, xuất trình có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QR trên bản điện tử của giấy tờ đó.
Từ tháng 10/2020 đến nay, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 20.000 người dùng tại 10.933 UBND cấp xã, 710 Phòng Tư pháp và 63 Sở Tư pháp. Theo thống kê, tính đến ngày 19/1/2022, hệ thống đã có 22.394.117 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 6.801.238 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 4.397.637 dữ liệu đăng ký kết hôn; và 3.110.703 dữ liệu đăng ký khai tử.
Theo:Mic.gov.vn
Ý kiến bạn đọc