Vai trò của Chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử

Thứ ba - 17/10/2023 21:48 0
Ngày 17/10, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử”.
20231018-ta1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia lần lượt là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều không thể thực hiện được nếu thiếu công dân số.

Để hình thành được công dân số, xã hội số cần có 8 yếu tố đặc trưng cơ bản gồm: Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản, có kỹ năng số ở mức cơ bản để sử dụng dịch vụ trên môi trường số và cuối cùng là có một chữ ký số cá nhân. “Chữ ký số cá nhân là mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện một phiên bản cơ bản của công dân số trên môi trường mạng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chữ ký số là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, để tăng tính đảm bảo tin cậy trong giao dịch trực tuyến, đặc biệt là giao dịch ngân hàng điện tử. Chữ ký số tương đương chữ ký tay, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ. Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử 2023 mới đây có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng chữ ký số vào mọi hoạt động của người dân trên mạng.

20231018-ta2.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khẳng định chữ ký điện tử được sử dụng trong các giao dịch dân sự kể từ khi Luật Giao dịch điện tử 2005 có hiệu lực.

Trên thực tế, chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để ký kết và xác thực hợp đồng điện tử, ký số cho hóa đơn điện tử; xác minh danh tính của khách hàng khi họ thực hiện các giao dịch trực tuyến, mở tài khoản mới hoặc truy cập vào dịch vụ trực tuyến...

Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể thỏa thuận với khách hàng để sử dụng chữ ký số làm phương thức xác thực cùng mật khẩu đăng nhập, kết hợp với mã xác thực như mã OTP... trong các giao dịch trực tuyến.

20231018-ta3.jpg

Ông Cho Sung Jig, Trưởng đại diện Cơ quan An toàn Internet Hàn Quốc (KISA) tại Việt Nam

Ông Cho Sung Jig, Trưởng đại diện Cơ quan An toàn Internet Hàn Quốc (KISA) tại Việt Nam cũng mong rằng thời gian tới, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tăng cường môi trường Internet an toàn và thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy, với việc chữ ký số cá nhân được sử dụng phổ biến.

20231018-ta4.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo dành nhiều thời gian lắng nghe các chuyên gia đến từ Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, các bài học thực tiễn về câu chuyện bùng nổ chữ ký số cá nhân trong các lĩnh vực của đời sống mà nổi bật nhất là trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Hội thảo “Vai trò của chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử” là cơ hội nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển chữ ký số cá nhân trong lĩnh vực thanh toán điện tử; nghe kinh nghiệm triển khai từ Hàn Quốc; hiểu rõ hơn về nhu cầu sử dụng chữ ký số cá nhân, các công nghệ ký số, các khó khăn, thách thức trong ứng dụng và cùng nhau học hỏi, hợp tác để xây dựng các hệ thống thanh toán an toàn, tiện lợi và hiệu quả tại Việt Nam./.

Nguồn tin: Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây