Xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đón Bằng công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021
Cả nước có 09 tỉnh được lựa chọn mô hình thí điểm gồm: Thái Nguyên, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Long An, Vĩnh Long, Bắc Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang. Theo đó, mỗi tỉnh có 01 xã tham gia mô hình. Xã Tức Tranh, huyện Phú Lương là 01 trong 09 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm của Trung ương về Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới nông thôn thông minh. Tức Tranh là xã đã được đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.
Việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (chương trình) cũng như thực hiện chủ trương đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và vào xây dựng NTM nói riêng đã được Chính phủ thông qua và thể hiện tại nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian qua. Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021- 2025. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp thiết thực trong xây dựng NTM, đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển chung của đất nước.
Chương trình nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Trạm quan trắc thông minh cung cấp dữ liệu về thời tiết phục vụ việc chăm sóc cây chè tại Thái Nguyên (Ảnh: Internet)
Mục tiêu chung của chương trình là phát triển đồng thời 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số trong xây dựng NTM. Về Chính quyền số: Phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp Trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…Về phát triển Kinh tế số: Có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số…Về Xã hội số: Phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
Phấn đấu đến năm 2025 mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất về kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá...
Tại Thái Nguyên, để kịp thời triển khai, thực hiện mô hình thí điểm của Trung ương; ngày 20/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1118/UBND-CNN&XD chỉ đạo các sở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan lập dự án, kế hoạch, xây dựng mô hình thí điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện, đúng quy định.
Đến hết năm 2022 đã có 3/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 01 huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh Thái Nguyên có 119/137 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 109 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Mục tiêu đến hết năm 2025 có 131 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM (95%), trong đó có 40% số xã đạt NTM nâng cao (52 xã), trên 10% số xã (15 xã) đạt NTM kiểu mẫu; tổng số có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM |
Ý kiến bạn đọc