Nhiều số liệu tích cực về thanh toán số Việt Nam
Trong phần tham luận về việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về tình hình phát triển thanh toán số tại Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân, hệ thống thanh toán liên ngân hàng tại Việt Nam đã xử lý bình quân hơn 830.000 tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Thời gian qua, ở Việt Nam đã phổ biến nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới an toàn, tiện lợi và thiết thực như thanh toán qua QR Code, thẻ chip không tiếp xúc, xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin,...
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn 2021-2023, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và mobile bình quân tăng trưởng lần lượt ở mức 52% và 103%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Đến nay, đã có hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Cả nước hiện có 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Đây là những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán số tại Việt Nam.
Tại Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã được giao hai nhiệm vụ, chỉnh sửa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển tiện ích thanh toán điện tử.
Song song với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn. Những hoạt động này đã góp phần vào việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam.
Cảnh giác tình trạng lừa đảo khi tiêu dùng số tăng nhanh
Trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt tăng nhanh, xuất hiện tình trạng kẻ xấu lợi dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để trục lợi và lừa đảo người dùng. Các hành động xấu bao gồm việc thao túng tâm lý, lừa người dùng tự chuyển tiền đến tài khoản được chỉ định. Kẻ lừa đảo cũng có thể chiếm dụng máy để chuyển tiền đi, hoặc lấy cắp thông tin danh tính để làm những việc phạm pháp.
Tại Tọa đàm phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia tổ chức hồi giữa tháng 5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, 91% các vụ lừa đảo liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Để tăng cường an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ 1/7/2024, tất cả giao dịch ngân hàng có giá trị trên 10 triệu đồng sẽ bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch với khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản.
Khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản phải được kiểm tra với thông tin trên căn cước công dân gắn chip. Ngoài ra, nếu giao dịch của người dùng trong một ngày đạt ngưỡng 20 triệu, họ sẽ phải thực hiện việc xác thực lại khuôn mặt.
Quyết định 2345 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây của Ngân hàng Nhà nước còn có 2 điểm quan trọng. Nếu người sử dụng cài đặt trên một thiết bị mới, họ phải có biện pháp xác thực với thiết bị cũ, để tránh việc kẻ gian đánh cắp thiết bị.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu ghi lại thông tin về thiết bị thực hiện các giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký (log) xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.
Theo Vietnamnet.vn Người Việt ngày càng thích thanh toán online, nghiện dùng QR Code (vietnamnet.vn)
Trọng Đạt
Ý kiến bạn đọc