Chiều ngày 14/6, tại TPHCM, đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), Sở Công Thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”.
Một trong những vấn đề “nóng” được bàn luận tại hội thảo là việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, nhân viên ngân hàng thường phải đối mặt với những cuộc gọi khẩn cấp vào nửa đêm hoặc sáng sớm liên quan đến việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Nhiều trường hợp khách hàng không nhận ra rằng, họ đã cài ứng dụng giả mạo của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng, dẫn đến việc mất tiền.
Do đó, yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để ngăn chặn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản.
Riêng Ngân hàng ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, hệ thống xác thực khuôn mặt đã được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Cụ thể, sau 3 ngày áp dụng, đã có 30.000 khách hàng thực hiện xác thực khuôn mặt và quá trình này chỉ mất chưa đến 30 giây.
“Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua”, ông Từ Tiến Phát nói.
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin của Viettel cũng cho biết, việc áp dụng xác thực sinh trắc học không chỉ đảm bảo tính đồng bộ cao mà còn giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản khách hàng.
Để giải quyết những lo ngại về sự phiền phức của khách hàng khi phải xác thực sinh trắc học, theo ông Trần Anh Dũng, các doanh nghiệp cần truyền thông rõ ràng về mục đích và lợi ích của quy định này, đồng thời sử dụng công nghệ để giữ trải nghiệm liền mạch và dễ dàng cho khách hàng.
Ông Trần Anh Dũng chia sẻ, quy định mới cũng giúp ví điện tử ngăn chặn các tài khoản nhận tiền lừa đảo khi tội phạm muốn chuyển tiền với số lượng lớn.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty an ninh mạng SCS, gần đây, ông nhận được các trường hợp phản ánh lừa đảo, trong đó có nạn nhân mất từ 1 đến 3 tỷ đồng vì được kêu gọi đầu tư vào các dự án giả mạo. Các vụ lừa đảo này đều có điểm chung là tội phạm có được thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng SIM rác. Do đó, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, việc xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản giúp ngăn chặn tội phạm sử dụng tài khoản "mượn" để chuyển tiền.
Để giảm thiểu tình trạng lừa đảo hiện nay, đại diện SCS cho rằng, cần kết hợp việc thực thi nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân với quản lý SIM chính chủ và quy định xác thực giao dịch.
Trong khi đó, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ, yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng. Quy định này không chỉ mang lại sự an tâm cho người dùng mà còn giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính nâng cao uy tín, thu hút thêm khách hàng. Khi các giải pháp kỹ thuật, quản lý và bảo mật được phối hợp chặt chẽ, người dân sẽ có thể trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số một cách an toàn và thuận tiện hơn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hội thảo đã giúp mọi người nhận thức được nguy cơ đến với sự nghiệp chuyển đổi số trong giao dịch số nói chung và giao dịch thanh toán nói riêng.
Ông Phạm Tiến Dũng rất hoan nghênh các ngân hàng, đại diện Viettel, MoMo, các công ty an ninh mạng đã có mặt để chia sẻ về quyết định 2345. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh 3 khía cạnh mà một chuyên gia về an ninh mạng rất nổi tiếng nói về quyết định này.
Cụ thể, nếu chẳng may các đơn vị bị lấy mất thông tin của khách hàng, khi áp dụng quyết định 2345, kẻ gian không thể thực hiện được giao dịch, vì lúc này không chỉ yêu cầu về OTP mà còn bắt buộc phải xác thực khuôn mặt. Do kẻ gian không có xác thực khuôn mặt nên không thể so sánh với khuôn mặt trên hồ sơ gốc của ngân hàng, chính vì thế không thể thực hiện được lệnh chuyển tiền.
Điểm quan trọng tiếp theo là khi chiếm đoạt thông tin khách hàng, kẻ gian thường cài đặt sang một máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhưng khi chúng thực hiện bước chuyển sang máy khác, các ngân hàng sẽ yêu cầu xác thực sinh trắc học để cài đặt ứng dụng, kẻ gian sẽ không thực hiện được.
Thứ ba, khi thực hiện giao dịch chủ tài khoản phải vào xác thực khuôn mặt, vì thế người đi thuê tài khoản không thể sử dụng được tài khoản cho thuê.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn sẽ có trường hợp ngoại lệ, khi hiện nay đang có hơn 180 triệu tài khoản giao dịch của khách hàng và sẽ có những tình huống đặc biệt.
Xác thực sinh trắc học không làm gián đoạn trải nghiệm khách hàng
Liên quan đến một số ý kiến thắc mắc về quyết định 2345, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%. Đồng thời, ông Phạm Tiến Dũng chỉ rõ, khi thực hiện giao dịch đến mức 20 triệu đồng đã xác thực sinh trắc học, thì các giao dịch 100.000 đồng tiếp theo sẽ không phải thực hiện bước này nữa, cho đến khi số tiền giao dịch lên đến 20 triệu tiếp theo.
“Nguyên tắc ở đây là không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Theo VietNamnet.vn Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền sẽ giúp ngăn chặn tội phạm lừa đảo (vietnamnet.vn)
Lê Mỹ
Ý kiến bạn đọc