Tại trung tâm một vườn vải thiều rộng 11 mẫu, Yin Yaocheng bắt đầu công việc hằng ngày từ sáng sớm. Không giống như một số “đồng nghiệp” nông dân khác, những người dành cả ngày để làm đất hay thu hoạch, Yin tự quay phim mình đi dạo nhàn nhã giữa những tán cây tươi tốt trong khi nói chuyện với smartphone.
Yin, người phụ trách tiếp thị của trang trại trái cây Đông Lâm ở huyện Tăng Thành, Quảng Châu đã phát trực tiếp (livestream) từ năm 2022 như một cách để bán nông sản và thu hút khách đến với dịch vụ tự hái trái cây. Công nghệ 5G giúp anh tương tác với khán giả “mượt” hơn.
Tại sự kiện Zengcheng Lychee Live Streaming với chủ đề “Thúc đẩy 5G cho quả vải”, Yin cho biết livestream giúp trang trại đạt mức tăng trưởng 20%-30% mỗi năm từ năm 2022. Mạng 5.5G lần đầu được Huawei và nhà mạng China Unicom thử nghiệm trong phiên livestream tại vùng nông thôn.
5.5G – hay 5G Advanced – dự kiến sẽ cải thiện hiệu suất mạng 10 lần so với 5G, tốc độ đường xuống (download) tối đa tăng từ 1Gb/giây lên 10Gb/giây và tốc độ đường lên (upload) tối đa tăng từ 100Mb/giây lên 1Gb/giây.
Hou Yingzhen, Chủ tịch tiếp thị và bán giải pháp 5G tại Huawei, nhận xét việc thương mại hóa 5G Advanced sẽ giúp tạo ra “cao tốc thông tin”, cung cấp hạ tầng cho một kỷ nguyên thông minh.
China Unicom cung cấp cho nông dân gói dịch vụ 5G phù hợp để livestream, ưu tiên tốc độ đường lên và lưu lượng truy cập thông qua công nghệ 5G slicing.
Theo Ying, vùng phủ sóng 5G được mở rộng giúp anh livestream ở các khu vực rộng lớn hơn của trang trại với chất lượng video tốt hơn. Trước đây, anh phải bám vào một chỗ có tín hiệu mạnh nhất. Nhờ 5G, anh có thể giới thiệu tốt hơn những chi tiết như chiếc lá đung đưa trong gió hay bông hoa rực rỡ hơn dưới ánh mặt trời với người xem, mục đích cuối cùng là chuyển đổi bán hàng.
Thương mại điện tử livestream đang trở thành một kênh phổ biến để nông dân trồng trái cây Trung Quốc thúc đẩy doanh số bán hàng, đặc biệt đối với hoa quả theo mùa. Tuy nhiên, việc hỗ trợ hạ tầng 5G ở nông thôn có những thách thức riêng.
Wang Liang, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đổi mới sản xuất tại China Unicom chi nhánh Quảng Đông, chỉ ra xây dựng mạng 5G ở khu vực nông thôn đòi hỏi chi phí cao hơn vì các thành phần cách xa nhau hơn so với các thành phố. Bên cạnh đó, đầu tư ở các khu vực dân cư kém đông đúc cũng khó sinh lời.
Dù vậy, những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn, tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư và triển khai các thiết bị thông minh để thúc đẩy sản xuất và bán nông sản, Wang bổ sung.
Tính đến cuối năm 2023, Quảng Đông có hơn 326.000 trạm gốc 5G, bao phủ gần như tất cả các khu vực đô thị cấp tỉnh, huyện và thị trấn, cũng như 94,5% các đơn vị cấp làng, theo dữ liệu chính thức. Năm nay, tỉnh có kế hoạch bổ sung 38.000 trạm và 18 triệu người dùng.
Theo Tan Yushan, trưởng bộ phận Thông tin thị trường, khoa học và giáo dục tại Văn phòng nông nghiệp và nông thôn Tăng Thành, huyện đã đầu tư khoảng 10 triệu NDT (1,4 triệu USD) hằng năm trong 4 đến 5 năm qua để nâng cấp mạng 5G và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khác. Song, phủ sóng Internet di động chỉ là một trong nhiều thách thức mà nông dân trồng vải thiều nơi đây phải đối mặt. Mùa đông ấm hơn và mưa lớn vào mùa xuân dự kiến làm giảm sản lượng 40% trong năm nay, Tan nói.
Yin lo ngại điều này sẽ đẩy giá vải thiều lên cao đến mức người tiêu dùng không còn muốn mua chúng ngay cả thông qua livestream. “Một số loại cao cấp có thể tăng giá hơn gấp đôi nên khó bán hơn”, Yin nói.
Link bài viết gốc: https://vietnamnet.vn/5g-giup-nong-dan-trung-quoc-trong-vai-nhu-the-nao-2292242.html
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc