Dự buổi tiếp, về phía Bộ TT&TT có đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Công nghiệp CNTT, Cục An toàn thông tin; về phía ITI có Giám đốc Chính sách khu vực châu Á và Giám đốc cấp cao về Chính sách quản lý sản phẩm.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, sau khi hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ toàn diện chiến lược, hoạt động trao đổi giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư thương mại trở nên sôi động hơn, thực chất hơn. Lĩnh vực công nghiệp CNTT tại Việt Nam đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xã hội. Thực hiện các mục tiêu chính sách thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các đối tác trên toàn thế giới, trong đó tập trung vào các cường quốc công nghệ như Hoa Kỳ.
Ông Jason Oxman cho biết, Hội đồng ITI, đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, hiện đang đặc biệt quan tâm đến thị trường Đông Nam Á và Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và đầu tư. Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhiều công ty châu Âu và Hoa Kỳ đang muốn dịch chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, đây là cơ hội cho Việt Nam. Do đó, vai trò của Bộ TT&TT trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn và thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Đại diện của ITI cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam chấp nhận các tiêu chuẩn kiểm thử và chứng nhận quốc tế đối với các trang thiết bị, tạo điều kiện cho các công ty toàn cầu thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Việt Nam là thành viên của Hiệp định CPTPP nên hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề quản lý kỹ thuật trong sản xuất cũng như phân phối thiết bị. Bộ TT&TT đang nỗ lực hài hòa hóa các quy định kỹ thuật bao gồm xây dựng quy chuẩn và áp dụng thực tiễn tốt (best practices) trong lĩnh vực TT&TT.
Đối với vấn đề chứng nhận và kiểm thử, Bộ TT&TT đang đề nghị Chính phủ sửa đổi Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, mở ra khả năng thừa nhận phòng đo kiểm nước ngoài, cho phép tận dụng năng lực đo kiểm đối với công nghệ trang thiết bị mới mà trên thế giới có rất ít phòng đo kiểm có khả năng đánh giá.
Cũng tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số quốc gia, đặc biệt là mạng 5G và hạ tầng điện toán đám mây. Việt Nam đã tổ chức đấu giá và phân bổ tần số 5G cho các doanh nghiệp viễn thông, với mục tiêu phổ cập 100% 5G vào năm 2030.
Kết thúc buổi tiếp, Thứ trưởng Phan Tâm mời Hiệp hội ITI và các thành viên của Hiệp hội tham gia sự kiện Tuần lễ Số Việt Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2024. Sự kiện này là cơ hội để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và các nước chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực TT&TT./.
Hội đồng Công nghiệp CNTT Hoa Kỳ (ITI) là hiệp hội thương mại toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ. Thành viên của Hội đồng ITI là các công ty về đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ bao gồm phần cứng, phần mềm, dịch vụ số, bán dẫn, thiết bị mạng, an ninh mạng…ITI đại diện cho 80 công ty với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề về chính sách công và tiêu chuẩn công nghệ.
Nguồn tin: https://mic.gov.vn/
Ý kiến bạn đọc