Kỷ niệm 25 năm khai trương dịch vụ Internet Việt Nam và năm thứ 11 sự kiện Internet Day

Thứ tư - 07/12/2022 04:13 0
Sáng ngày 07/12/2022, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Viễn thông – Bộ TT&TT đã tổ chức Kỷ niệm 25 năm khai trương dịch vụ Internet Việt Nam và năm thứ 11 sự kiện Internet Day.
1
1
1

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại lễ kỷ niệm

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Tham dự có nguyên Lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng Cục Bưu điện qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; các doanh nghiệp trong lĩnh vực Viễn thông, Internet của Việt Nam và nước ngoài…

Những thành tựu của Internet Việt Nam sau 25 năm

Kể từ ngày 19/11/1997 - ngày khai trương dịch vụ Internet Việt Nam, sau 25 năm, Internet Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc. Hiện Việt Nam được xếp hạng cao trong kết quả khảo sát của McKinsey tại các quốc gia với câu hỏi: Có sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Báo cáo "e-Conomy SEA 2022" của Google, Temasek and Bain & Company mới công bố ngày 27/10/2022 cũng khẳng định, Việt Nam sẽ dẫn đầu về kinh tế Internet ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện mới đây, các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ 5G, Internet băng thông rộng cố định và Chuỗi khối (Blockchain).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, thành tựu đạt được của 25 năm Internet Việt Nam là kết tinh từ sự chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay xây dựng của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện chúng ta có 72,1 triệu người Việt sử dụng internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày, đứng thứ 13 trên thế giới.

Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.

Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu đạt tỉ lệ 74,3% dân số.

Có hơn 564 nghìn tên miền “.vn“ đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương;

Ngoài ra, mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu, Tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6. Và rất nhiều các thành tựu khác ….

Chuyển đổi từ hạ tầng thông tin thành hạ tầng số

Thứ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp Internet Việt Nam đã có sự vận động, thích ứng và lớn mạnh không ngừng, chuyển đổi mô hình từ phát triển kinh doanh hạ tầng chuyển sang phát triển kinh doanh nền tảng và từng bước vươn ra toàn cầu.

Trải qua 25 năm phát triển, Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, nghĩa là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp. Hạ tầng số sẽ bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số; Từ vai trò của Intetnet là công cụ để phát triển kinh tế xã hội, thì đến nay và giai đoạn tiếp theo, Internet sẽ tạo ra phương thức mới để phát triển kinh tế xã hội.

Cũng trải qua 25 năm phát triển, Internet là phương thức để kết nối con người với con người, thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, Internet phát triển thông minh hóa, là phương thức để đồ vật kết nối đồ vật và hơn thế là con người hiểu thế giới đồ vật, đồ vật hiểu đồ vật. Trên môi trường số, thế giới con người và thế giới đồ vật sẽ hoà quyện với nhau.

Hiện nay, thế giới đang trong cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu như trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý Internet thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng Internet để quản lý xã hội.

u3_9.jpg

Các đại  biểu tham dự lễ kỷ niệm

Đến 2025: Internet Việt Nam sẽ rộng hơn, nhanh hơn và an toàn hơn

Nhận định về tương lai của Internet Việt Nam từ nay đến 2025, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Internet Việt Nam đến năm 2025 sẽ rộng hơn, nhanh hơn và an toàn hơn; mục tiêu: “đến năm 2025: Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực ASEAN; Năm 2030: Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”. Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam phải do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam phải do người Việt tạo ra và lưu giữ. Người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nếu không có hạ tầng số sẽ không có chủ quyền số.

Các doanh nghiệp viễn thông cùng với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm lưu trữ dữ liệu.

Thứ trưởng cho biết, tới 2025 lượng truy cập Internet sẽ là 100% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; Đến 2030, 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);

Trung tâm dữ liệu, Cloud: đến 2025, 02 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia sử dụng năng lượng xanh quy mô lớn; tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu vùng; từ 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực; 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng điện toán đám mây Chính phủ; 70% doanh nghiệp Việt Nam dùng Cloud Việt Nam;

Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của ngành TT&TT đó là phải xây dựng hạ tầng Internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn; Thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu; Dẫn dắt quá trình tích hợp Internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Tại lễ kỷ niệm, Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA cho biết, "Trong 25 năm qua, sự phát triển Internet lành mạnh ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Với những tính năng ưu việt của Internet, Việt Nam đã phát triển một cách khá toàn diện. Có thể thấy, Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và sự đổi mới. Điều nhận thấy rõ nét nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet đem lại những sự thay đổi có thể coi là thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức... cho Việt Nam".

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đại biểu sẽ được nghe các bài tham luận và tọa đàm chia sẻ về tương lai bền vững cho hệ sinh thái Internet Việt Nam, đặc biệt là các phiên chuyên môn thể hiện các chủ đề liên quan đến thực trạng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet, thúc đẩy các lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam.

Song song với đó là sự kiện ngoại giao hưởng ứng chuỗi sự kiện 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022); kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp CNTT, game và metaverse ở Hàn Quốc và Việt Nam.../.

Theo trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Mic.gov.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây