Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng

Thứ năm - 13/10/2022 03:28 0
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) và Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã tổ chức hội thảo "Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW) 2022.
Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng
20221013-ta15.jpg

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT, ông Triệu Minh Long phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT cho biết các nước trên thế giới hiện nay đều đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nhưng cái gốc của tất cả các chiến lược này thì đầu tiên phải có công dân số, có nghĩa là cần phải phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ số, dịch vụ số, ứng dụng số, khai thác tối ưu các tiện ích số phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bộ TT&TT xác định một trong những những nhiệm vụ trọng tâm là hợp tác với các tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam để đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng số cho người dân. Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao kỹ năng số cho người dân, trong đó đặc biệt là tổ công nghệ số cộng đồng  trong việc nâng cao nhận thức công nghệ số cho người dân, tiếp cận trực tiếp với người dân.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao tầm nhìn 2030 và các mục tiêu được nêu trong Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số cho Việt Nam, nằm trong số 50 quốc gia hàng đầu thế giới về chính phủ điện tử, năng suất lao động và đổi mới, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong ba trụ cột của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số cũng nêu rõ rằng, thành tựu hướng tới sự chuyển đổi quốc gia, đặt con người vào trung tâm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Tất cả chúng ta đều nhận thức rất rõ, COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam (và thực sự đối với nhiều quốc gia trên thế giới), nhưng đồng thời, COVID đã mang lại cơ hội đáng kể cho việc tăng tốc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và UNICEF ghi nhận sự lãnh đạo của chính phủ, đặc biệt là Bộ TT&TT, trong việc đưa ra tầm nhìn, chính sách và hướng dẫn cụ thể trong thời gian không chắc chắn này.

Bà Miller cũng cho biết trong bối cảnh này, việc xây dựng kỹ năng số như một kỹ năng học tập suốt đời trong cộng đồng từ học sinh đến giáo viên, phụ huynh, nhân viên y tế, nhân viên khu vực tư nhân, nhân viên phúc lợi và mọi thành viên của xã hội là hết sức quan trọng. Hiểu biết số không chỉ là xử lý máy tính mà còn cho phép các cá nhân tham gia vào việc xử lý thông tin với tư duy phản biện, tham gia tích cực vào việc tạo ra nội dung và chia sẻ kiến thức qua mạng xã hội. Trọng tâm về hiểu biết số là hỗ trợ sự phát triển của một công dân có hiểu biết và kết nối, có thể thích ứng với các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của xã hội, bao gồm cả nhu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt, mở ra cơ hội cho mọi trẻ em và thanh thiếu niên khi có thể kết nối, giải pháp học tập, thiết bị, nội dung và dữ liệu với giá cả phải chăng cũng như sự tham gia của những người trẻ tuổi. 
Chia sẻ thêm tại Hội thảo, bà Miller cho biết UNICEF Việt Nam đã làm việc với các đơn vị khác nhau thuộc Bộ GD&ĐT bao gồm Cục CNTT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non và thí điểm một số giải pháp dựa trên công nghệ để cải thiện dịch vụ cho trẻ em và người chăm sóc trẻ em, đặc biệt là sử dụng điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh để cung cấp thông tin và dịch vụ cho trẻ em. Điều này bao gồm một loạt các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, trong khi xem xét sự phát triển và tiếp thu các kỹ năng số trong xã hội, điều quan trọng là đảm bảo an toàn trực tuyến và phúc lợi kỹ thuật số của trẻ em trên mạng cũng là vấn đề cần được thảo luận.
 
20221013-ta16.jpg
Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT Hoàng Anh Tú chia sẻ về việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại Việt Nam

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT Hoàng Anh Tú đã chia sẻ về việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng với số lượng 61.554 tổ trải dài khắp cả nước cùng 283.904 thành viên đi sâu vào từng thôn bản, xã huyện phổ cập kỹ năng số, hiểu biết số cho người dân, nhất là những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh trong khoảng 6 tháng giữa năm 2022. Chuyển đổi số ở Việt Nam gắn liền với xã hội số, công dân số. Trong chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam, các nền tảng số của Việt Nam được nhấn mạnh với mục tiêu là đưa người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam và Tổ công nghệ số cộng đồng đang làm việc này.

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược TT&TT cho biết: Tại Việt Nam, việc triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ tháng 4/2022, Bộ TT&TT đã khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn. Đây là cách tiếp cận mới của Việt Nam trong bồi dưỡng kỹ năng. Tính đến hết tháng 9/2022, nền tảng đã hỗ trợ bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức; phổ cập kỹ năng số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc với tổng cộng 159.132 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn. Ngoài ra, Bộ TT&TT cùng các địa phương tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại 55/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn nhân lực số còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Để giải bài toán phát triển nhân lực số, phổ cập kỹ năng số, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

20221013-ta18.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Tiếp theo, cần chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo, theo đó triển khai thí điểm trong đào tạo công nghệ thông tin (xây dựng nền tảng số chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; xây dựng nền tảng (platform) đào tạo từ xa). Nhà nước thí điểm chấp nhận các tín chỉ, văn bằng đào tạo từ xa; xây dựng chương trình, kế hoạch thiết kế dạy học trực tuyến; phát triển được nguồn tài nguyên dữ liệu mở, kết nối quốc tế.

Bên cạnh đó, cần giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp, theo đó xây dựng triết lý mới về giáo dục, đào tạo là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với nền tảng là giáo dục khai phóng + STEM; quy hoạch và phát triển ngành nghề cho tương lai; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm: cơ chế, chính sách "sandbox: công nghệ cao", từ đó doanh nghiệp công nghệ thế giới sẽ đến và nguồn nhân lực thế giới sẽ đổ về; thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua làm việc trực tuyến, ứng dụng công nghệ số AR/VR; thu hút các doanh nghiệp chủ lực trong nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực số, kỹ năng số./.

Nguồn tin: Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây