Dư địa lớn để doanh nghiệp công nghệ phát triển

Thứ sáu - 30/09/2022 23:45 0
Dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải “chật vật” tìm lối đi riêng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ nổi lên như một điểm sáng.
Dư địa lớn để doanh nghiệp công nghệ phát triển
16

Dư địa lớn để doanh nghiệp công nghệ phát triển.

Sống khỏe

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải tư duy lại cách vận hành, từ đó tạo ra làn sóng chuyển đổi số và đầu tư công nghệ trong mọi lĩnh vực kinh tế. Đây thực sự là mảnh đất “màu mỡ” giúp các doanh nghiệp công nghệ “sống khỏe” không chỉ giữa đại dịch mà còn tạo ra cơ hội phát triển bền vững, nhất là đối với các công ty công nghệ tiên phong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số.

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy trong năm 2021, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đạt 136,153 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020. Đặc biệt, trong tổng doanh thu lĩnh vực này, mặc dù các doanh nghiệp có vốn FDI vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu (hơn 86%) nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam năm qua đã tăng mạnh so với những năm trước.

Nếu như năm 2018, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt hơn 3,6 tỷ USD thì sang năm 2019, con số này là hơn 11 tỷ USD. Năm 2020, doanh thu được nâng lên mức gần 13,4 tỷ USD và đến năm 2021, con số đã lên đến 18,7 tỷ USD. Như vậy, chỉ sau 3 năm, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã tăng gấp 5 lần.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp vốn FDI chiếm khoảng 15% (tương đương hơn 17,6 tỷ USD).

Thống kê cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong năm qua tiếp tục gia tăng, đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2020. Năm 2019, Việt Nam mới chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số.

“Khám sức khỏe” cụ thể từng doanh nghiệp trong ngành công nghệ cũng thấy rõ được kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Chẳng hạn như với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), trong năm 2021, doanh thu của “ông trùm” viễn thông này đạt 274.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%; lợi nhuận đạt 40.100 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm 2020. Doanh nghiệp cũng nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng.

Với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), năm 2021, tổng doanh thu đạt 56.605 tỷ đồng, bằng 103,4% kế hoạch, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 45.842 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch. Lợi nhuận tập đoàn đạt 7.103 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.371 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5.408 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 10%.

Đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân, Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) tăng trưởng rất mạnh mẽ khi trong năm vừa qua, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 35.657 tỷ và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với năm trước đó, đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Trong số này, doanh thu từ chuyển đổi số của FPT đạt 5.522 tỷ đồng, tăng trưởng 72%, tập trung vào điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), low code... Khối công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ tại nước ngoài, mang về hơn 20.700 tỷ đồng doanh thu và gần 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 23,4% và 24,3%. Với kết quả này, khối công nghệ đóng góp tới 58% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế cho FPT.

Nhìn sang Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG), năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này lần lượt đạt 4.500 tỷ và 311 tỷ đồng, tăng 17% và 35% so với năm 2020.

Phía CMG cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã có các chiến lược kinh doanh phù hợp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận tăng trưởng tốt là nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các khối: kinh doanh quốc tế, giải pháp và công nghệ, dịch vụ và viễn thông.

Nhận diện xu hướng công nghệ trong năm 2022

Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là một trong những nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp ngành công nghệ tiếp tục bứt phá trong năm nay.

Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và sự phát triển của 5G cũng được kỳ vọng sẽ là những “miếng bánh” màu mỡ cho các doanh nghiệp ngành công nghệ tiếp tục khoan phá.

Nhận định về xu hướng công nghệ trong năm 2022, ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng các xu hướng công nghệ sẽ được ứng dụng và tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam trong năm 2022 là công nghệ 5G, IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Đây là những công nghệ có xu thế dẫn dắt, tương hỗ lẫn nhau trong tổng thể hệ sinh thái công nghệ số giai đoạn hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Còn theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong năm 2022. Đặc biệt, AI đang trở thành một phần cốt lõi của ngành công nghệ. Hiện Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng ban Công nghệ thông tin Tập đoàn Viettel, thì cho rằng các công nghệ đang và sẽ tiếp tục triển khai là nền tảng Cloud, điện toán biên, phân tích dữ liệu lớn, các công nghệ tự động hóa, các công nghệ về AR/VR… và không thể thiếu các công nghệ về bảo mật, riêng tư.

Một công nghệ khác đang nở rộ ở Việt Nam và được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022 là Blockchain. Với việc ra đời và phát triển của các nền tảng cung cấp hợp đồng thông minh (smart contract) và NFT (non fungible token) trên Blockchain, giới chuyên gia kỳ vọng năm 2022 sẽ được thấy nhiều ứng dụng của công nghệ này trong cuộc sống.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm giai đoạn 2020-2025 để đạt mức 52 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đặt mục tiêu thúc đẩy vai trò nền kinh tế số trong 5 năm tới (ví dụ: tăng cường thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử và áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ). Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào tháng 6/2020 và đang đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế số từ mức chiếm 8,2% GDP như hiện nay lên 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

“Chúng tôi tin rằng các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “digital” của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác”, chuyên gia của VNDirect nêu quan điểm./.

Theo trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Mic.gov.vn)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây