Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế

Thứ tư - 12/10/2022 03:53 0
Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW) 2022, chiều 12/10/2022, Chương trình Tọa đàm "Why Việt Nam" với chủ đề:" Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế" đã được trao đổi, chia sẻ bởi các chuyên gia: Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT; Bà Bùi Kim Thuỳ, đại diện cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ; Bà Annabel Lee, Giám đốc Chính sách Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của AWS; Bà Vũ Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada; Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, Việt Nam; Ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom.
Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế
thao-a1.jpg

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm

Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT, cho biết Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ chính sách cho các hoạt động đột phá về công nghệ, tạo sự thuận lợi, đảm bảo cho các mô hình kinh doanh mới, đảm bảo sự an toàn, an ninh quốc gia của Việt Nam.

Theo ông Hoàng Anh Tú,trên thế giới đã có nhiều quốc gia ban hành chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số như Vương Quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Về mặt xu hướng và định hướng công nghệ thì các chiến lược có sự tương đồng giữa các nước. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ, chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam có những nét đặc trưng và cách tiếp cận riêng, tạo con đường cho Việt Nam phát triển kinh tế số. Đặc trưng và cách tiếp cận riêng của Việt Nam chính là sự chuyển đổi từ kinh tế số chủ yếu dựa trên nền tảng ICT sang kinh tế số ngành. Đó là sự nhấn mạnh của các nền tảng Make in Viet Nam và sự điều chỉnh, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chính sách, gỡ bỏ các rào cản để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế số. 

Về mặt thị trường, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với một thị trường lớn với 3,5 tỷ dân cho các DN Việt Nam, trong đó có các doanh nghhiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp trong nước hay ở nước khác đều có thể cung cấp dịch vụ số cho các khách hàng ngoài lãnh thổ. Đây là điều các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần nhìn nhận.

Mặt khác, phát triển hạ tầng kinh tế số trong đó có hạ tầng băng rộng, Internet, đám mây, IoT cũng như đào tạo kỹ năng số cho người dân sẽ tạo ra thị trường kinh tế số năng động trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% GDP và 30% GDP vào năm 2030. Tiềm năng và thị trường kinh tế số của Việt Nam đủ cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh và phát triển. Ông Hoàng Anh Tú chia sẻ thêm.

ta2.jpg

Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TT&TT trao đổi về chính sách tại tọa đàm

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ liên quan đến chính sách về kinh tế số, bà Annabel Lee, Giám đốc Chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tuy chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2017, nhưng từ trước đó AWS đã hợp tác với hãng hàng không VietJet. Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, AWS là nhà cung cấp các nền tảng điện toán đám mây cho nhiều đối tác để thúc đẩy chuyển đổi số nâng cao hiệu quả kinh doanh...

Đại diện Hội đồng kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ cũng bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới Việt Nam là là nơi mà các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đặt văn phòng đại diện, sản xuất, R&D. Đề xuất với cơ quan quản lý trong phát triển kinh tế số, đại diện Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các chính sách có tính liên tục, ổn định, dễ dự đoán. Đặc biệt cần có sự đồng nhất trong quản lý từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra một số quy định liên quan đến phòng dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng mong muốn chính sách được ban hành phải thiên về phục vụ sự phát triển, thay cho kiểm soát.

Tại buổi tọa đàm, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành trung tâm lớn của khu vực và thế giới về thiết kế sản phẩm công nghệ, nằm trong trung tâm sản xuất thiết bị công nghệ, từ đó để tiến cao hơn trong chuỗi giá trị của công nghệ thế giới.

Ông Nam cho biết, Qualcomm đã có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm. Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, một trong những nhiệm vụ nổi bật là thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Hiện Qualcomm đã, đang hợp tác với các nhà mạng tại Việt Nam xây dựng hạ tầng kết nối 5G để thúc đẩy các chương trình "Make in Vietnam", chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra, Qualcomm đã mở rộng Trung tâm R&D tại Hà Nội, xây dựng các phòng lab 5G để tạo điều kiện cho việc thiết kế sản xuất được thuận lợi hơn", ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh.

Qualcomm còn hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng nguồn lực cho công nghệ trong tương lai thông qua chương trình "Thử thách đổi mới sáng tạo" kể từ năm 2019, giúp đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Chương trình đã hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và đã lựa chọn được một số startup xây dựng sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện chương trình tiếp tục nhận hồ sơ hỗ trợ startup năm 2023... 

Bà Bùi Kim Thuỳ, đại diện cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng chia sẻ, kinh tế số là thị trường năng động nhất và Việt Nam đang có nền kinh tế số phát triển sôi động khi có dân số vàng. Internet của Việt Nam và ASEAN đang có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đầu tư Hoa Kỳ vào ASEAN đạt gần 340 tỷ USD, nhiều hơn cả đầu tư của Hoa Kỳ vào 4 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong tương lai. Theo đó, chính sách của Việt Nam phải có tính liên tục, ổn định, dễ đoán. 

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đại diện cho các doanh nghiệp như CMC, Lazada cũng đã chia sẻ, trao đổi về thị trường từ góc nhìn kinh tế số, cơ hội thúc đẩy kinh tế số;  hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu lớn.../.

 

Nguồn tin: Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây