Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Trụ sở Tỉnh uỷ Thái Nguyên
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố của cả nước. Tham gia Hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án số 06 của tỉnh.
Là tỉnh được Chính phủ chọn và giao nhiệm vụ thực hiện điểm Đề án số 06, Thái Nguyên đã thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án tại 9/9 đơn vị cấp huyện, thành phố; 100% đơn vị cấp xã và trên 2.200 Tổ công tác tại các tổ dân phố, xóm, bản. Đề án số 06 cũng được Thái Nguyên xác định là nội dung liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp; phù hợp với chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tham luận tại Hội nghị
Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an, đặc biệt là Cục C06, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, qua đó đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhất là việc phối hợp đến lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp; nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được trên 1 triệu dữ liệu, đạt chỉ tiêu 100%, vượt tiến độ, yêu cầu đề ra trước 47 ngày. Kết quả này đã được Chính phủ và Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao. Đến nay theo lộ trình, Thái Nguyên đã hoàn thành việc xây dựng Phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết TTHC; thực hiện cấp 7.424 chữ ký số cá nhân chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, trong đó 100% cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết TTHC được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số. Bắt đầu từ ngày 01/6/2022, tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, giấy tờ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện TTHC. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06, tỉnh đã tích cực triển khai hoàn thiện thực hiện theo lộ trình từ ngày 01/7/2022. Tính đến ngày 10/9/2022, có 205/222 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh với 1.256.527 lượt khám liên thông được kết nối với Hồ sơ sức khỏe điện tử; 395.950 người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe; 266.381 lượt cài đặt Sổ sức khỏe điện tử trên toàn tỉnh. Thái Nguyên đã tạo bộ dữ liệu dùng chung trên toàn tỉnh nhằm theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch. Trên cơ sở đó bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình trong quá trình giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực Tư pháp, góp phần xây dựng các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình. Công tác thông tin tuyên truyền triển khai Đề án số 06 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được chú trọng, quan tâm và đẩy mạnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án số 06, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - C06 (Bộ Công an), sự quan tâm phối hợp của các cơ quan Trung ương trong quá trình triển khai Đề án số 06 trên địa bàn các tỉnh, thành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án số 06, nhiều địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn như: Chất lượng đường truyền, hạ tầng internet, đường truyền phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân chưa ổn định; đường truyền hạ tầng kỹ thuật để thực hiện quy trình nghiệp vụ còn yếu, thường xuyên bật mạng, lỗi đường truyền, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác; một số thôn, xóm thuộc miền núi còn hạn chế về đường truyền internet; sóng điện thoại còn hạn chế dẫn đến việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công và khai thác, sử dụng các tiện ích của Đề án đạt hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 tại địa phương, nhất là đối với cấp xã chưa được tập huấn đào tạo sử dụng công nghệ dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý, hướng dẫn công dân đạt hiệu quả chưa cao; việc định danh tài khoản điện tử chỉ định danh đảm bảo tính chính xác tương đối, khả năng xác thực người và giấy tờ chính xác nhưng chưa xác thực được giấy tờ có giả mạo hay không do chưa có dữ liệu kiểm tra…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án số 06, đồng thời nhấn mạnh: Đề án là cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Qua triển khai thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả bước đầu của Đề án, từ đó mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Thái Nguyên cần giữ vững thành quả đã đạt được, hết sức nỗ lực, quyết tâm, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa và phải có sự phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh, đảm bảo mục tiêu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Đề án. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ của Đề án để thực hiện theo đúng tiến độ. Phải chú trọng, quan tâm để thực hiện một số nội dung liên quan đến người dân trên môi trường số như: Khám chữa bệnh, thu chi trong các trường học; sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế cho thẻ ngân hàng; quản lý chặt chẽ về biến động dân cư thông qua khai báo lưu trú; triển khai hệ sinh thái công dân số; sử dụng tài nguyên thông tin hiệu quả, có sự kết nối cao phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia. Từ kinh nghiệm, cách làm của các địa phương như Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong triển khai Đề án số 06, các địa phương cần giải những bài toán cụ thể, tuyên truyền để người dân thấy thiết thực, hiệu quả, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, đồng thuận để tham gia thực hiện và thụ hưởng lợi ích mà Đề án đem lại.
Ý kiến bạn đọc