Diễn đàn “Đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp tiếp cận chuyển đổi số”.
Đây là một trong những sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) và chào mừng thành công của Đại hội Đoàn Khối các cơ quan Trung ương lần thứ IV nhiệm kỳ 2022 - 2027. Diễn đàn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin và chia sẻ về kinh nghiệm, các mô hình đang triển khai hiệu quả.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp Trịnh Xuân Tùng cho biết: "Ngành Tư pháp luôn coi công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành".
Xác định thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số và thể chế cần đi trước một bước, do đó, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi các luật và văn bản luật chuyên ngành nhằm phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế trong công tác chuyển đổi số.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp với chức năng của mình cũng đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Bộ trong triển khai cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng số đối với một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp quốc gia, với mong muốn hoạt động ngày càng thuận lợi, thông thoáng và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Một trong những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tiêu biểu đạt được những kết quả đáng ghi nhận được chia sẻ tại diễn đàn là mô hình chuyển đổi số tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đẩy mạnh tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Nhờ đó, kết quả tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại Trung tâm bảo đảm chính xác, 100% phiếu lý lịch tư pháp do Trung tâm cấp đều sớm hoặc đúng thời hạn theo quy định.
Đặc biệt, để triển khai hiệu quả Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã hoàn thành và đưa vào khai thác Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp, thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và triển khai cung cấp 30% các thủ tục hành chính do Bộ Tư pháp thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 03 thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp.
Hiện nay, các địa phương cũng đang hoàn thiện việc kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung cho Sở Tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, đồng bộ thủ tục đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp giữa Cổng dịch vụ công tỉnh/thành phố với Cổng Dịch vụ công quốc gia để triển khai thuận lợi việc đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cũng tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian thử nghiệm, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện cung cấp thông tin dưới dạng điện tử. Cho đến nay, đã có 63/63 Sở Tư pháp thực hiện chuyển thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử theo quy trình này.
Với những nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ như vậy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nhấn mạnh: "Diễn đàn này thực sự là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên tiếp tục trang bị thêm năng lực, nhận thức về CĐS, kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng".
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ TT&TT Chung Hải Bằng chia sẻ: "Chuyển đổi số trong hoạt động của một cơ quan, tổ chức không phải là đích đến mà đây là một cuộc hành trình dài đòi hỏi phải có sự chung tay, nỗ lực đổi mới sáng tạo của tất cả các thành viên, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn về công nghệ. Trong hành trình này chúng ta luôn có sự kế thừa và phát triển".
Đó là sự kế thừa trong kinh nghiệm của những người đi trước, dẫn dắt, chỉ lối cho những người đi sau để từ đó những người đi sau tận dụng sức trẻ, sức sáng tạo không ngừng của mình, kết hợp với những hiểu biết về công nghệ số tạo nên sự đổi mới và phát triển; là sự kế thừa trong các quy định pháp luật hiện hành, trên cơ sở thực tiễn, kết hợp sức mạnh của công nghệ số, gạn đục khơi trong, giữ lại những điểm hay, tiến hành những cải cách, thay đổi giúp cho cơ quan, đơn vị phát triển theo hướng tích cực.
Đặc biệt, đó cũng là sự kế thừa trong tài nguyên hiện có, số hóa, biến đổi các tài nguyên của đơn vị từ các dạng thông tin khác, sang thông tin số, trên cơ sở đó, áp dụng thành tựu của các công nghệ số giúp cho việc khai thác, kết nối, sử dụng các loại tài nguyên được thuận lợi hơn, đáp ứng nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ.
Đánh giá cao nỗ lực và thành tựu chuyển đổi số của ngành Tư pháp nói chung và đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nói riêng, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ TT&TT cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực của Bộ Tư pháp đã và đang diễn ra hết sức sôi nổi, đã có sự gắn kết giữa hoạt động nghiệp vụ chuyên môn với các hoạt động của Đoàn thanh niên. Đây là một điểm sáng trong hoạt động Đoàn mà ít bộ, ngành, địa phương nào có thể thực hiện được.
Với vai trò đại diện của Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT – Bộ dẫn dắt về chuyển đổi số quốc gia, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ TT&TT Chung Hải Bằng mong rằng trong thời gian tới, Ban chấp hành Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình hữu ích như Diễn đàn này; đồng thời, hy vọng thông qua Diễn đàn các đoàn viên, thanh niên của Bộ Tư pháp có thể nắm bắt được rõ hơn nội hàm các vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số, để từ đó có thể tham mưu đúng, tham mưu trúng cho lãnh đạo đơn vị áp dụng các công nghệ số vào giải quyết các vấn đề đang nhức nhối, cần thay đổi trong các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị mình.
Từ thực tế đó, tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Dũng, Phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra một số khuyến nghị chuyển đổi số đối với Bộ Tư pháp.
Cụ thể, chia sẻ về lộ trình thực hiện chuyển đổi số, ông Dũng cho biết lộ trình này gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Chuẩn bị các điều kiện như: Đánh giá thực trạng của tổ chức, xác định mục tiêu chuyển đổi số. Nâng cao sự quyết tâm của người đứng đầu, lan tỏa đến tất cả các thành viên của tổ chức; Lập kế hoạch và chiến lược thực hiện.
Giai đoạn 2: Thực hiện chuyển đổi số là quá trình số hóa thông tin, các mô hình, quy trình hoạt động. Trong đó, số hóa thông tin là việc biến đổi các loại hình thông tin sang thông tin số. Số hóa mô hình, quy trình hoạt động là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình, quy trình hoạt động từ đó tạo ra các cơ hội đem lại giá trị mới. Sau đó, mở rộng phạm vi thực hiện.
Giai đoạn 3: Đánh giá và tối ưu hóa. Trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi sẽ có những sai sót, do đó cần phải có những đánh giá cụ thể nhằm rút được những điều đã làm được và những điều chưa làm để từng bước cải thiện và tối ưu hóa quy trình.
Đối với chuyển đổi số trong hoạt động quản trị nội bộ, ông Dũng cho biết, chuyển đổi số trước tiên sẽ phải là chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo điều hành, đó là đẩy mạnh triển khai phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành.
Theo đó, để hoạt động chuyển đổi số hiệu quả và thành công, thủ trưởng các đơn vị phải là người tiên phong ứng dụng phần mềm vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hướng tới văn phòng không giấy. 100% văn bản (không thuộc phạm vi quy định về bí mật nhà nước) phải được số hóa, lưu trữ điện tử trên phần mềm. 100% văn bản đến (không thuộc phạm vi quy định về bí mật nhà nước) được Thủ trưởng đơn vị giao việc thông qua phần mềm. 100% văn bản đi (không thuộc phạm vi quy định về bí mật nhà nước) được phát hành dưới dạng văn bản điện tử.
Trong khi đó, đối với chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật, từ khâu xây dựng văn bản đến khâu thẩm định, ban hành cũng như kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa có thể tận dụng cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật để triển khai xuyên suốt tất cả các bước.
Đối với chuyển đổi số trong một số hoạt động khác của ngành Tư pháp, ông Dũng cũng khuyến nghị cần rà soát, tăng cường xây dựng, triển khai phần mềm hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ; Tăng cường bố trí kinh phí để triển khai số hóa hồ sơ nghiệp vụ, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu điện tử được lưu trữ trên các phần mềm nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin ngay từ khâu thiết kế, xây dựng cho đến khi triển khai, vận hành; Triển khai đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin; Kiên quyết không đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin chưa kết luận bảo đảm an toàn an ninh mạng; Hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức; Định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin: 02 năm /01 lần đối với các hệ thống thông tin cấp độ 1, 2; 01 năm/01 lần đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3, 4; 06 tháng/01 lần đối với hệ thống thông tin cấp độ 5./.
Nguồn tin: Mic.gov.vn
Ý kiến bạn đọc