Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra thế giới, mang sản phẩm, giải pháp và dịch vụ "Make in Việt Nam" chinh phục thị trường quốc tế.
Trong 3 năm qua, Bộ TT&TT đã triển khai các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới thông qua các hội nghị, diễn đàn, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước, thiết lập gian hàng tại các nước và kết nối doanh nghiệp với đối tác quốc tế. Các chương trình này đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Tiềm năng và cơ hội của doanh nghiệp
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT đã phân tích tổng quan về ngành công nghệ thông tin và cơ hội phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Hiện cả nước đang có hơn 51 nghìn doanh nghiệp công nghệ số, với đội ngũ kỹ sư khoảng 500 nghìn người. Trong đó, khoảng 1.500 doanh nghiệp đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin năm 2023 là khoảng 170 tỷ đô-la Mỹ, cao hơn so với doanh thu 145 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2022. Sự gia nhập của các Tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ top đầu đã mở ra nhiều cơ hội trong việc thúc đẩy các mô hình đào tạo phối hợp giữa các doanh nghiệp và trường đại học, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Bên cạnh đó, sự đồng hành của Bộ TT&TT cùng các Hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đang tạo thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường ra thế giới cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên: Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ, nhưng tỷ trọng đầu tư vào công nghệ thông tin còn nhỏ, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn. Trong nước, thị trường còn khiêm tốn song có tốc độ tăng trưởng tốt.
Thêm vào đó, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí cạnh tranh. Đến nay, chất lượng nguồn nhân lực đang được cải thiện nhờ hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, chương trình đào tạo chất lượng cao và số lượng sinh viên công nghệ thông tin tăng đáng kể. Việc hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Bosch, Qualcomm, Samsung là một hướng đi đúng đắn để cải thiện chất lượng đào tạo.
Chính sách hỗ trợ rộng mở
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; đưa Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số, hiện Bộ TT&TT đang dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ Số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; đưa Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Dự thảo cũng nhằm đẩy mạnh thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.
"Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những hỗ trợ nhất định đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như tài trợ, vay vốn và hỗ trợ tài chính; đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số thì có vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ...; tổ chức các cuộc thi, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số, truyền thông, xúc tiến thương mại... nhằm thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số", ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết.
Tại Hội nghị, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bên cạnh việc ký các thỏa thuận về thương mại đầu tư, những văn bản hiện nay đã có sự điều chỉnh, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp của Việt Nam khi đầu tư kinh doanh sang nước ngoài.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Huy, Vụ thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương, chỉ ra các cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại khu vực ASEAN với dân số hơn 650 triệu người. Đây là nền kinh tế năng động và đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, là "sân chơi" đầy tiềm năng.
Theo đại diện Bộ Công thương, Việt Nam có hoạt động xuất-nhập khẩu tại các quốc gia ASEAN với kim ngạch 73,42 tỷ USD trong năm 2023. Thêm vào đó, các nước trong khu vực đang dịch chuyển dần sang lĩnh vực dịch vụ. Trong 10 năm qua, ngành dịch vụ dần chiếm tỷ trọng quan trọng của cơ cấu các ngành kinh tế, như tại Philippines là xấp xỉ 71%, Singapore gần 61%, Thái Lan là 56%. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về các giải pháp, dịch vụ công nghệ số. Thêm vào đó, thương mại điện tử tại khu vực đang "bùng nổ" và dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với sự gia tăng người dùng Internet, qua đó sẽ mở ra cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt.
Ông Nguyễn Thành Huy nhấn mạnh Hiệp định Khung về Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA), sẽ là"cú hích" mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác và hội nhập số trong khu vực. Đây là Hiệp định kinh tế số toàn khu vực lớn đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, Hiệp định DEFA sẽ góp phần giúp thương mại trực tuyến giữa các quốc gia ở Đông Nam Á trở nên nhanh hơn và thuận tiện hơn sau khi ASEAN bắt đầu xây dựng một khuôn khổ mới có thể mở ra tiềm năng trị giá hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030; trong đó sáu nội dung trọng điểm đồng thời là kế hoạch hành động sẽ được triển khai trong thời gian tới. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại; bảo vệ dữ liệu và hỗ trợ thương mại-đổi mới số; cho phép thanh toán kỹ thuật số xuyên suốt; mở rộng thị trường lao động chuyên ngành số; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và phối hợp hành động.
Các yếu tố cần và đủ để doanh nghiệp "sẵn sàng bơi ra biển lớn"
Tại Hội nghị, ông Hà Thế Dương, Phó tổng giám đốc Viettel Global đã chia sẻ câu chuyện phát triển của Viettel khi đi ra nước ngoài. Đại diện Viettel cho rằng để các "chiến binh" công nghệ số Việt Nam thực sự đi ra biển lớn trước hết cần trang bị chiến lược toàn diện, sắc bén và đa chiều thông qua việc nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, nắm bắt xu hướng, nhu cầu và đối thủ cạnh tranh. Tiếp theo, các doanh nghiệp cần xác định "mặt trận" tấn công trọng điểm bằng cách tập trung vào thị trường ngách phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp.
Một trong những mũi nhọn không thể thiếu chính là đổi mới sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát triển sản phẩm đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh. Song song đó, doanh nghiệp cần xây dựng một thương hiệu vững chắc, nâng cao nhận diện thương hiệu trên trường quốc tế là yếu tố then chốt để thu hút khách hàng và đối tác. Sức mạnh nội tại của doanh nghiệp cũng cần được tôi luyện bằng việc phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy toàn cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần mở rộng liên minh, hợp tác chiến lược, xây dựng hệ sinh thái đối tác vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp và mở rộng mạng lưới. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, coi đó như nguồn lực hỗ trợ quan trọng, cụ thể là việc kết nối với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, đại diện nhấn mạnh việc tuân thủ pháp luật quốc tế và nước sở tại là nguyên tắc "sống còn" trên thương trường quốc tế. Cuối cùng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, thích ứng và tôn trọng sự đa dạng văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp hòa nhập và chinh phục thị trường toàn cầu.
Thông qua các chia sẻ từ các cấp quản lý, doanh nghiệp, hội nghị đã tạo ra một diễn đàn để thảo luận các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và nắm bắt xu hướng công nghệ toàn cầu; giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thấy rõ hơn cơ hội, thách thức để chinh phục các thị trường mới, mở rộng không gian phát triển của mình đồng thời xây dựng và thương hiệu công nghệ Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ý kiến bạn đọc