Chuyển đổi số ở Thái Nguyên - Từ xa lạ đến cuộc cách mạng toàn dân (kỳ 2): “Người dẫn đường" tận tâm

Thứ tư - 23/10/2024 05:40 0
Là cơ quan thường trực về chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh, không chỉ tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ giải quyết công việc, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) còn rất “tròn vai” khi là “người dẫn dắt" CĐS trên địa bàn tỉnh. Nhập cuộc với tâm thế vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, đơn vị đã tham mưu với tỉnh đưa ra những quyết sách đúng đắn về CĐS. Và thật vui vì sau những bước đi đầy gian khó, đến nay CĐS đã trở thành cuộc cách mạng toàn dân trên vùng đất chiến khu xưa.
Đoàn công tác của tỉnh Sơn La nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn công tác của tỉnh Sơn La nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tiên phong làm chủ công nghệ

Trên bảng xếp hạng đánh giá mức độ CĐS năm 2022 do Bộ TT&TT công bố tháng 7-2023, Thái Nguyên có năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Bộ TT&TT đánh giá Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm triển khai nhiều nền tảng số phục vụ quản lý nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn…

 

Để đạt được những kết quả này, Sở TT&TT - cơ quan thường trực CĐS của tỉnh - đã có rất nhiều hoạt động tích cực, thể hiện tốt vai trò là đơn vị đi đầu, làm chủ công nghệ, đồng thời hỗ trợ các ngành, địa phương cùng vào cuộc CĐS.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở TT&TT: Chúng tôi tiên phong trong việc ứng dụng CNTT vào phục vụ giải quyết công việc. Sau đó, thực hiện tốt công tác tham mưu với tỉnh về các giải pháp đẩy mạnh công cuộc CĐS.

Từ định hướng trên, Sở TT&TT đã nhanh chóng triển khai các hoạt động CĐS ngay trong Ngành bằng những hoạt động cụ thể như: Ứng dụng chữ ký số trong các chỉ đạo nội bộ, văn bản trao đổi với các ngành, địa phương; ứng dụng 100% công việc xử lý trên môi trường mạng qua hệ thống quản lý văn bản điện tử, hệ thống e-mail của tỉnh; triển khai phòng họp không giấy, họp qua truyền hình trực tuyến; nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý nhà nước cho các cán bộ, nhân viên tham gia vào các phần việc chính của CĐS…

Đường truyền mạng chuyên dùng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh được các cán bộ chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra thường xuyên, bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Đường truyền mạng chuyên dùng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh được các cán bộ chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra thường xuyên, bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Từ nền tảng thực tế trên, trước hết, Sở TT&TT đã tham mưu với tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức số cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh; đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực, khẩn trương vào cuộc, làm nòng nốt nâng cao nhận thức cho toàn dân về CĐS.

Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính, viễn thông (Sở TT&TT), cho biết: Xác định hạ tầng số là nền tảng của CĐS, lãnh đạo Sở đã yêu cầu tập thể cán bộ, công chức trong toàn đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là giúp cơ quan luôn chủ động trong công tác tham mưu với tỉnh quan tâm phát triển hạ tầng số (gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT và hạ tầng trung tâm dữ liệu, các nền tảng ứng dụng). Đồng thời quan tâm đào tạo nâng cao trình độ CNTT, an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT toàn tỉnh. Từ nền tảng hạ tầng số phát triển, Ngành đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đẩy mạnh CĐS trên 3 trụ cột, gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số qua các kế hoạch, chương trình đẩy mạnh CĐS trên địa bàn; hướng dẫn các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS đã đề ra...

 

Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đưa các ứng dụng CĐS vào triển khai nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của DN, như: Ứng dụng nền tảng du lịch thông minh, thúc đẩy thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực... để thúc đẩy phát triển kinh tế số ở các ngành, địa phương.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức

Tỉnh ủy Thái Nguyên xác định, CĐS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội. Bởi lẽ ấy, ngay từ năm 2021, Thái Nguyên đã yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu các cấp ủy Đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CĐS trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về CĐS, tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề trong công tác tuyên truyền, vận động DN, người dân tích cực tham gia hưởng ứng.

Tỉnh cũng rất coi trọng việc đẩy mạnh tuyên truyền để từ đó làm thay đổi trong tư duy, nhận thức về CĐS của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị cho đến cộng đồng DN, người dân...

Nhân viên Bưu điện Thái Nguyên sử dụng phần mềm chuyên dụng để nhập xuất dữ liệu chuyển phát hàng hóa.
Nhân viên Bưu điện Thái Nguyên sử dụng phần mềm chuyên dụng để nhập xuất dữ liệu chuyển phát hàng hóa.

CĐS là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó, Thái Nguyên đã lấy người dân, DN làm trung tâm khi thực hiện CĐS. Bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường, thị trấn về chuyển đổi số được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh đã tổ chức, duy trì hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) ngay từ khi khởi động chương trình CĐS. Trong vai trò là hạt nhân, 2.255 tổ CNSCĐ với gần 15.000 thành viên đã vào cuộc rất tích cực. Họ đã huy động được sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo CĐS từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết thêm: CĐS là một quá trình và khó khăn lớn nhất là làm thay đổi nhận thức, thói quen của ngươi dân. Hơn nữa, để có thể nhập cuộc, người dân cần phải có kỹ năng số. Do đó, chúng tôi đã tham mưu để tỉnh thành lập các tổ CNSCĐ. Với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, thành viên của các tổ CNCĐS đã phá vỡ “phòng tuyến” cố hữu của người dân, trang bị cho họ những kỹ năng số cần thiết để họ có thể trở thành công dân số trong thời đại 4.0.

 

Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các DN đẩy mạnh CĐS, chỉ trong 2 năm (2022-2023) đã ban hành 3 kế hoạch với những mục tiêu, giải pháp cụ thể về vấn đề này. Cụ thể hóa nội dung của các kế hoạch đã được tỉnh ban hành, ngay trong năm 2022, Sở TT&TT đã thành lập Tổ hỗ trợ CĐS DN.

Ông Vũ Đình Giang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, cho hay: Hiện, Tổ hỗ trợ đã phối hợp với Hiệp hội DN trẻ, DN nhỏ và vừa tư vấn miễn phí CĐS cho DN. Hướng dẫn các DN tiếp cận, ứng dụng miễn phí các nền tảng, giải pháp phát triển công nghệ số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS, tư vấn cho các DN lựa chọn các nền tảng số trong chương trình SMEdx để trải nghiệm và thực hiện CĐS…

 

Nói CĐS trở thành cuộc cách mạng toàn dân không hề sai khi chỉ sau một thời gian “khởi động”, các cả hệ thống chính trị, DN và người dân trong tỉnh đều nhập cuộc rất tích cực. Trải qua nhiều gian nan, thử thách, Thái Nguyên đã có được những "trái ngọt" từ chương trình CĐS.

Tính đến tháng 9-2024, theo đánh giá của Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, với 83,87/100 điểm.

(Còn nữa)

Theo Baothainguyen.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây