Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế

Thứ tư - 23/10/2024 23:11 0
Trong chương trình công tác tại tỉnh Kon Tum, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác đã có chuyến khảo sát, nắm bắt tình hình tại cơ sở sản xuất Yến sào Kon Tum, một trong những mô hình khởi nghiệp thành công của địa phương. Đây là cơ sở sản xuất đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu hàng Việt, đồng thời hướng tới mở rộng thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác khảo sát, nắm bắt tình hình tại cơ sở sản xuất Yến sào Kon Tum.

Cần nâng cao thương hiệu sản phẩm của địa phương

Ghi nhận sự nỗ lực và thành tựu của Yến sào Kon Tum, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho rằng, mô hình khởi nghiệp thành công như Yến sào Kon Tum không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn khẳng định giá trị của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một chiến lược dài hơi và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Những doanh nghiệp như Yến sào Kon Tum đã cho thấy sức mạnh của hàng Việt khi kết hợp giữa chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh bền vững.

Chuyến khảo sát của Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác tại cơ sở Yến sào Kon Tum không chỉ là sự khích lệ đối với doanh nghiệp mà còn là lời kêu gọi cộng đồng cùng nhau ủng hộ và phát triển hàng Việt Nam.

Thay mặt, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương yêu cầu Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Kon Tum cần động viên người dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng các sản phẩm OCOP của địa phương để nâng cao thương hiệu của tỉnh.

Với định hướng phát triển này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng rằng sản phẩm Việt Nam không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn chinh phục những thị trường khó tính trên toàn thế giới, góp phần nâng cao vị thế kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác nghe chia sẻ về khát vọng xây dựng thương hiệu mang "hơi thở" đại ngàn Kon Tum từ nhà sáng lập cơ sở Yến sào Kon Tum

Khát vọng xây dựng thương hiệu mang "hơi thở" đại ngàn Kon Tum

Yến sào Kon Tum được thành lập vào tháng 10/2017, dưới sự dẫn dắt của hai nhà sáng lập Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm. Với mong muốn xây dựng một thương hiệu mang đậm nét "hơi thở" của núi rừng Kon Tum, hai doanh nhân này đã dốc toàn lực đầu tư thời gian, tiền bạc và tâm huyết để nuôi loài chim yến – được xem là "lộc trời" – trong môi trường tự nhiên của địa phương.

Xuất phát từ sự hiểu biết về tập tính và môi trường sinh sống của chim yến tại Khánh Hòa, vùng đất nổi tiếng về nghề khai thác tổ yến, Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm đã thành công trong việc áp dụng mô hình nuôi yến vào Kon Tum. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, công ty đã đạt được những thành quả ấn tượng với hàng ngàn tổ yến, góp phần định vị thương hiệu Yến sào Kon Tum trên bản đồ ngành yến Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác khảo sát, nắm bắt tình hình tại cơ sở sản xuất Yến sào Kon Tum

Phát triển mạnh mẽ và mở rộng thị trường

Hiện nay, Yến sào Kon Tum kinh doanh đa dạng các loại sản phẩm từ tổ yến. Cụ thể, yến nguyên được bán với giá 25 triệu đồng/kg, yến tươi với giá 5 triệu đồng/kg, và yến tinh chế đã làm sạch, sấy khô với giá 40 triệu đồng/kg. Đến năm 2020, công ty đã phát triển thêm dòng sản phẩm Yến chưng cao cấp, mở rộng danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Vào tháng 4/2020, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công ty, ông Đặng Xuân Hùng đã quyết định chính thức thành lập Công ty TNHH Yến sào Kon Tum và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lên Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Đến nay, công ty đã có 6 sản phẩm thực phẩm chế biến sâu từ tổ yến, phục vụ cho nhiều đối tượng, từ trẻ em đến người lớn.

Đặc biệt, ông Hùng tiết lộ rằng trong tháng 6 tới đây, công ty sẽ xuất khẩu chính ngạch sản phẩm yến sào sang thị trường Trung Quốc – một thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ yến lớn. "Đây là một bước tiến lớn không chỉ đối với công ty chúng tôi mà còn đối với ngành yến của địa phương. Điều này cũng là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa công ty và các sở, ban, ngành địa phương trong thời gian qua," ông Hùng chia sẻ.

Hiện nay, cơ sở chế biến của Yến sào Kon Tum mỗi tháng sản xuất trên dưới 20 ngàn hũ/ngày yến thành phẩm và đang có kế hoạch nâng công suất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Sự thành công của công ty đã góp phần tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương, với mức doanh thu hàng tháng ước tính trên dưới 1 tỷ đồng. Điều này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Kon Tum.

Mô hình khởi nghiệp thành công của ông Đặng Xuân Hùng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương. Nhiều người đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình nuôi yến, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành yến phát triển rộng khắp trong khu vực. Điều này mang lại lợi ích lớn cho cả ngành yến địa phương và nền kinh tế tỉnh Kon Tum, khi tạo ra một hệ sinh thái sản xuất liên kết, từ đó nâng cao chất lượng và sản lượng yến, hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Một số hình ảnh của Đoàn công tác khảo sát, nắm bắt tình hình tại cơ sở sản xuất Yến sào Kon Tum:

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 4.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 5.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Yến sào Kon Tum góp phần đưa hàng Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 6.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây