Cảnh báo chiêu thức lừa đảo đối với Tân sinh viên ngày nhập học

Chủ nhật - 22/09/2024 21:16 0
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới, mà đối tượng là các bạn sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học.
Lợi dụng thời điểm các sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, một số đối tượng đã giả mạo là đầu mối của một số trường đại học để lừa phụ huynh và con em chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học.
Cách thức lừa đảo tân sinh viên rất chuyên nghiệp, khó phân biệt. Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của trường đại học. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email hoặc gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí qua các phương thức không chính thức. Đối tượng cũng có thể sẽ thông qua các phương thức lừa đảo như email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.
Trong thời gian vừa qua, theo Điểm tin cảnh báo lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin, Trường Đại học Sài Gòn phát đi thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền 6.953.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo…. Cùng với đó, nhiều trường Đại học đã đưa ra cảnh báo đối với các hình thức lừa đảo trên.
Trước đó, Trường Đại học Y Hà Nội cũng phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện một số đối tượng lợi dụng danh tiếng của trường để thực hiện hành vi giả mạo, đăng tin đăng ký vào ký túc xá trái phép trên các nền tảng mạng xã hội. Với phương thức này, các đối tượng tự nhận là cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội, tạo lập nhóm facebook có tên "Đại học Y Hà Nội - HMU" để tiếp cận các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, sau đó tư vấn và dụ dỗ các em chuyển tiền để được đăng ký chỗ ở ký túc xá sớm. Lợi dụng nhu cầu đăng ký ký túc xá của sinh viên, thông qua các bài đăng thắc mắc, các đối tượng chủ động liên hệ và tiếp cận, tư vấn nhiệt tình cũng như đưa ra các khoản tiền phải đóng nếu thí sinh muốn có chỗ ở sớm. Khi nhận thấy thí sinh chần chừ trong việc chuyển tiền, các đối tượng liên tục thúc giục với lý do "trường đã họp chốt điểm chuẩn, chỉ chờ ngày công bố" hoặc "nhà trường họp chốt số lượng người ở ký túc xá trong chiều nay", yêu cầu gửi thông tin và chuyển tiền ngay lập tức, hứa hẹn nếu thí sinh không đỗ sẽ hoàn lại tiền. Tương tự, trường Đại học Giao Thông Vận Tải cũng đưa ra thông báo….

Trước vô vàn những chiêu trò lừa đảo lợi dụng nhu cầu trong giai đoạn đầu năm học, cơ quan chức năng khuyến cáo phụ huynh và tân sinh viên cần đề cao cảnh giác khi tìm kiếm các thông tin liên quan tới trường đại học trên các trang mạng xã hội, thực hiện kiểm tra thông tin từ trường đại học hoặc tổ chức tài chính qua các kênh chính thức và liên hệ trực tiếp với trường nếu có bất kỳ nghi ngờ nào.
Người dân tuyệt đối không nhấp vào liên kết trong các email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc và không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không xác định; luôn thực hiện các khoản thanh toán học phí qua các kênh thanh toán chính thức do trường đại học hoặc tổ chức tài chính cung cấp. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời. Khi giao tiếp cần xác minh kỹ thông tin đối tượng, hạn chế chia sẻ thông tin và dữ liệu cá nhân. Tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng lạ trong bất kỳ trường hợp nào. Khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thí sinh nên truy cập vào cổng thông tin của trường đại học, cổng thông tin điện tử cho sinh viên hoặc liên hệ trực tiếp với các cán bộ làm việc tại trường thông qua số điện thoại chính thống. 
Trong bối cảnh lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường với các hình thức được các đối tượng thay đổi thường xuyên, liên tục tạo ra các “biến tướng”, việc tuyên truyền để người dùng nhận diện và biết cách phòng tránh với từng hình thức lừa đảo là chưa đủ, quan trọng hơn là cần trang bị kỹ năng phòng tránh, cách ứng phó khi gặp tình huống lừa đảo. Do đó, mỗi cá nhân cần phải tích cực rèn luyện kỹ năng nhận diện và phòng, chống lừa đảo nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó là trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, hãy kiểm tra kỹ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đừng vội vàng tin vào những gì người khác nói mà chưa xác thực được; không vội vàng trong các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch tiền bạc hoặc các quyết định quan trọng như thuê nhà, mua sắm, tìm việc... Đồng thời luôn cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trước mà không có đảm bảo rõ ràng. "Trong trường hợp không may bị lừa thì cần liên hệ ngay với người thân hoặc bạn bè để được hỗ trợ xử lý tình huống. Cần ghi lại mọi thông tin về các cuộc trò chuyện, giao dịch, biên lai và bất kỳ chứng cứ nào có liên quan để báo cho các cơ quan chức năng. Sau đó, hãy rút ra bài học cho bản thân và chia sẻ với bạn bè để họ không rơi vào bẫy lừa tương tự".
                                                                                                                                      

Nguồn tin: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây