Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số. Cụ thể, hạ tầng số được quy hoạch phát triển theo định hướng: “Mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật - IoT được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng”.
Lĩnh vực viễn thông đã bước vào cuộc đổi mới lần thứ hai, chuyển từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, từ hạ tầng “alô” thành hạ tầng của nền kinh tế số. Quan điểm của Bộ TT&TT là hạ tầng số Việt Nam phải bảo đảm có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, "xanh", thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng số phải được đầu tư đi trước một bước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Với quan điểm đó, Bộ TT&TT mới đây đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành là một trong những nước tiên phong ban hành văn bản xác định rõ nội hàm cùng các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia.
Khung phát triển hạ tầng số Việt Nam là cơ sở để Bộ TT&TT ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thúc đẩy phát triển, các quy định quản lý hạ tầng số. Đây cũng là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số xác định không gian phát triển mới, xây dựng định hướng phát triển giai đoạn 2024 – 2030.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), khung phát triển hạ tầng số được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận của Việt Nam, đồng thời cũng phản ánh sự tiến hóa, mở rộng từ hạ tầng viễn thông truyền thống đến các hạ tầng mới. Bốn thành phần chính của hạ tầng số Việt Nam gồm: Hạ tầng viễn thông và Internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý – số; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.
Thông tin cụ thể hơn về 4 thành phần của hạ tầng số Việt Nam, Cục Viễn thông cho biết, hạ tầng viễn thông và Internet là nền tảng kết nối thiết yếu cho mọi hoạt động trong kỷ nguyên số, bao gồm hệ thống cáp quang, truyền dẫn, trạm phát sóng, mạng di động (4G, 5G, 6G), Wi-Fi, vệ tinh, hệ thống định tuyến, máy chủ DNS, điểm trung chuyển Internet...
Hạ tầng dữ liệu đảm bảo khả năng lưu trữ, xử lý và khai thác hiệu quả khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra trong kỷ nguyên số, bao gồm các trung tâm dữ liệu lớn và hạ tầng điện toán đám mây.
Hạ tầng vật lý - số thực hiện việc số hóa thế giới thực, tạo ra ánh xạ "1 – 1" giữa thế giới thực và thế giới số, phục vụ tương tác qua lại giữa 2 thế giới này. Hạ tầng này bao gồm các thiết bị IoT để số hóa vạn vật, hạ tầng truyền dẫn cho IoT, dữ liệu mô phỏng vạn vật và các thành phần xử lý dữ liệu. Hạ tầng vật lý – số là thành phần quan trọng bậc nhất của chuyển đổi số. Nhờ có hạ tầng này mà con người có thêm một không gian nữa để sống, làm việc và sáng tạo.
Trong hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, hạ tầng tiện ích số cung cấp công cụ để người dân thực hiện các giao dịch trên môi trường số, bao gồm các nền tảng định danh số, thanh toán số, hóa đơn điện tử...; hạ tầng công nghệ số như dịch vụ là các nền tảng phần mềm cung cấp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo - AI, Blockchain... dưới dạng dịch vụ để các tổ chức, doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng thay vì tự đầu tư xây dựng, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh việc xác định rõ vai trò, nội hàm từng thành phần trong hạ tầng số Việt Nam, tại khung hạ tầng số, Bộ TT&TT cũng nêu rõ các tiêu chí cụ thể với từng yêu cầu phát triển hạ tầng số Việt Nam gồm dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, “xanh”, thông minh, mở và an toàn.
Đơn cử như, dung lượng siêu lớn là dung lượng truyền tải, lưu trữ, tính toán dữ liệu của hạ tầng số Việt Nam phải sẵn sàng cho các xu hướng công nghệ mới và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; trong đó dung lượng cáp quang quốc tế tối thiểu 350 tbps vào năm 2030, dung lượng truyền dẫn trong nước đáp ứng khả năng phổ cập kết nối Gigabit đến hộ gia đình; tổng công suất của các trung tâm dữ liệu bao gồm các trung tâm dữ liệu siêu lớn đạt 870MW vào năm 2030.
Cục Viễn thông được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và cập nhật Khung phát triển hạ tầng số Việt Nam phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu hướng phát triển hạ tầng số trên thế giới. Các đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT căn cứ chức năng, nhiệm vụ để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định và triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng số Việt Nam.
Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số sẽ căn cứ Khung phát triển hạ tầng số Việt Nam, Quy hoạch phát triển hạ tầng TT&TT cùng chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển của đơn vị mình để đầu tư, phát triển các thành phần hạ tầng số phù hợp và hiệu quả.
“Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số phải chủ động đẩy mạnh đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số. Thông qua đầu tư phát triển hạ tầng số thì các doanh nghiệp sẽ khai phá được thêm không gian tăng trưởng mới”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Link bài viết gốc: https://vietnamnet.vn/bo-tt-tt-ra-khung-ha-tang-so-viet-nam-de-thuc-day-phat-trien-2323151.html
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc