Chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực CCHC ngày càng được nâng cao; cơ cấu tổ chức, bộ máy được sắp xếp tinh gọn; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác CCHC được trang bị đầy đủ và hiện đại hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất tốt đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao; chuyển mạnh từ tư duy hành chính “xin- cho” sang tư duy phục vụ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… Các chỉ số PCI, PAPI, PAR Inder có nhiều tiến bộ vượt trội. Đặc biệt, sự hình thành và đưa vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã được đầu tư hiện đại đã tạo sự đột phá, đồng bộ, thống nhất, liên thông trong tiếp nhận, giải quyết Thủ tục hành chính giữa các cấp chính quyền; 100% đơn vị, địa phương kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ Thủ tục hành chính. Thực hiện Chuyển đổi số theo Nghị quyết 01/NQ-TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với 03 hệ thống nền tảng là Cổng thông tin điện tử, Mạng Truyền số liệu chuyên dùng, Hội nghị truyền hình bảo đảm liên thông 3 cấp từ tỉnh đến xã và ngược lại.
Người dân tra cứu thông tin Thủ tục hành chính qua mạng Internet
Mặc dù không phải là một địa phương có tiềm lực tài chính dồi dào để đầu tư lớn cho công nghệ thông tin, nhưng với những cách làm mới mẻ, sáng tạo, cùng với quyết tâm cao, tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái nhiều thành công bước đầu, việc đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định bước đi đúng đắn của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động CCHC; xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh để nâng cao chất lượng hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước trong thời đại công nghệ 4.0; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng Công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường; đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng điện thoại di động, Internet đến 99% số xóm, tổ dân phố, trong đó hơn 70% số thuê bao có sử dụng dịch vụ Internet 3G, 4G… Nhiều ngành của tỉnh đã triển khai hiệu quả các hệ thống giải pháp thông minh như: Nền tảng quản lý và thanh toán phí, học phí điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối tuyến xã, huyện, tỉnh và Trung ương; triển khai quản lý cây xanh thông minh…
Tiếp tục áp dụng, triển khai hiệu quả, thực chất Hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, ưu tiên triển khai ISO điện tử đối với 100% các cơ quan hành chính nhà nước.
Cải cách hành chính gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Thái Nguyên. Thời gian tới, để thực hiện được mục tiêu này các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hoạt động tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp: Không ngừng nâng cao nhận thức và vai trò của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị mình, từng bước xây dựng chính quyền điện tử trong phạm vi của đơn vị. Xiết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, thanh tra hành chính gắn liền xử lý kết quả sau thanh tra kiểm tra. Tập trung quan tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo cho đội ngũ công chức phù hợp với yêu cầu của Chính quyền điện tử. Đẩy mạnh việc truyền thông về chính quyền điện tử để người dân hiểu, tiếp cận và sử dụng các yếu tố của chính quyền điện tử. Tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa Thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới môi trường "Làm việc không giấy tờ; họp không gặp mặt; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt". Cải cách hành chính gắn với phát triển “Dịch vụ đô thị thông minh”, hướng tới chính quyền số; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa là đối tượng đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ, đây là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh của tỉnh. Mô hình đô thị thông minh mà tỉnh Thái Nguyên mong muốn hướng tới phải mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Hy vọng rằng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội, tỉnh Thái Nguyên sẽ thành công trong việc xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại; thực hiện CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao vị thế của tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.